Cuốn sách này là cuốn thứ 6 về Vật lý hiện đại. Bốn cuốn đầu tiên do Nhà xuất bản Tri thức xuất bản, cuốn thứ 5 do Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ Thuật biên tập và ấn hành.
Cuốn thứ 6 này gồm 7 chương, và cũng như các cuốn trước, nhằm mục tiêu quảng bá những vấn đề thời sự cập nhật của vật lý hiện đại. Các bạn đọc - nhất là các bạn trẻ - có thể gặp khó khăn trong việc tìm kiếm các vấn đề này trên mạng, nhưng đây lại là những vấn đề cần thiết phải tìm hiểu để cập nhật kiến thức về Vật lý hiện đại.
Nói chung, nội dung cuốn sách bao trùm các vấn đề về vũ trụ, môi trường đông đặc, toán, topo và mối liên quan giữa các vấn đề đó.
Những thông tin trong cuốn sách sẽ giúp bạn đọc dễ dàng nắm bắt các phương hướng Vật lý hiện đại.
Phần Thư mục (INDEX) được trình bày cuối sách giúp bạn đọc thuận tiện tra cứu những vấn đề nêu trong sách.
CAO CHI VỚI VẬT LÝ HIỆN ĐẠI
Thời gian thấm thoắt thoi đưa. Mới đấy mà đã 10 năm, kể từ khi NXB Tri thức ấn hành tập đầu tiên trong bộ sách Vật lý hiện đại của Ông nhân dịp kỷ niệm lần thứ 80 ngày sinh của tác giả, vào năm 2011. Nay đã ở tuổi 90, Ông vẫn tiếp tục cho chúng tôi niềm vinh hạnh được xuất bản cuốn thứ 6 mà bạn đọc đang có trên tay, vẫn với niềm đam mê phổ biến kiến thức đỉnh cao, vẫn với phong độ đĩnh đạc và tầm nhìn xa khiến chúng tôi tin tưởng và mong mỏi rằng Ông còn gắn bó với các thế hệ trẻ yêu Vật lý Việt Nam trong nhiều năm nữa.
Từ một học sinh nổi tiếng “thần đồng” của trường Quốc học Võ Tánh (Tuy Hòa, Bình Định) thời kháng chiến, Cao Chi đã thực sự bước vào môi trường học thuật đỉnh cao tại khoa Vật lý Lý thuyết, Đại học Tổng hợp Lomonosov, nơi Ông gọi là “Thánh đường Khoa học”, vào những năm 1956-1961. Mười năm sau, 1962, Ông có may mắn cùng các đồng nghiệp được đích thân Bộ trưởng Tạ Quang Bửu lựa chọn gửi sang một “Thánh đường Khoa học” khác của Liên xô - Viện nghiên cứu Năng lượng nguyên tử Quốc tế Dubna, theo Kế hoạch chiến lược Xây dựng nền Khoa học Việt Nam trong thời kỳ mới, với lời căn dặn: Mục tiêu sang Dubna của các anh không phải học hàm học vị, không nhất thiết phải bảo vệ luận án, nhưng nhất thiết phải theo kịp trình độ khoa học tiên tiến, trong một lĩnh vực tiên tiến, để rồi tìm cách đưa nền Khoa học Việt Nam tiến lên toàn diện.
Điều đó đã trở thành động lực và phương châm hành động trong suốt cuộc đời lao động sáng tạo của nhà khoa học tài năng. Ngoài lĩnh vực chuyên ngành của mình, Cao Chi còn được biết đến là một Nhà văn hóa có tâm hồn nghệ sỹ. Ông yêu và viết về cái Đẹp thật tự nhiên từ bản năng Chân Thiện Mỹ; đối với Ông, vẻ đẹp trong Khoa học (đặc biệt là Toán học) cũng lộng lẫy và quyến rũ như trong Nghệ thuật, đều bắt nguồn từ Thiên nhiên tráng lệ, hùng vĩ.
Sau hai mươi năm theo dõi hoạt động khoa học và nghệ thuật (qua những bài viết về khoa học bằng ngòi bút văn chương) của Cao Chi, vào năm 1983, GS. Tạ Quang Bửu đã dành cho người đàn em - bạn trẻ tài hoa của mình những lời chân thành và rất đẹp: “Cao Chi là một chuyên gia về Lý thuyết Trường Lượng tử và một nhà Toán học sâu sắc, cái gì bạn ấy viết ra cũng đều được suy tính kỹ. Những bài viết của bạn ấy dù là về các vấn đề chuyên môn cũng đẹp về nhiều mặt: Ý tứ, lời văn, tình nghĩa và trách nhiệm tương hỗ giữa người viết và người đọc”.
Chắc Giáo sư Bửu không thể ngờ được rằng gần 40 năm sau, Cao Chi mà ông từng yêu mến vẫn rong ruổi trên con đường sáng tạo mặc cho mũi tên Thời gian vô tình và nghiệt ngã luôn luôn lao về phía trước ám ảnh thế gian này.
NXB Tri thức chân thành cảm ơn Ông vì những đóng góp quý báu. Mong ông còn sức viết thì cứ viết, như Phan Khôi đã nói “Nắng được thì cứ nắng!”.
III. MỤC LỤC
Cao Chi với vật lý hiện đại
Lời nói đầu
Chương I: VŨ TRỤ
I.1 Giải Nobel Vật lý năm 2019
I.2 Hành tinh kỳ lạ
I.3 Collapsar
I.4 Khủng hoảng hằng số vũ trụ Hubble
I.5 Kính viễn vọng VLT và Sao quanh lỗ đen siêu nặng
I.6 Tam giác vũ trụ
I.7 Bong bóng khí ở tâm Ngân hà
I.8 Big Bang (Vụ nổ lớn)
I.9 Lạm phát
I.10 Big Bounce (Bước nẩy lớn)
I.11 Hằng số vũ trụ
I.12 Những tia năng lượng từ lỗ đen
Chương II: LỖ ĐEN
II.1 Kim loại Planck và lỗ đen
II.2 Một lỗ đen gây ngạc nhiên
II.3 Lỗ sâu đi qua được
II.4 Lỗ đen “có tóc”
II.5 Lỗ đen âm thanh
II.6 Nghịch lý Hawking
Chương III: CƠ HỌC & MÔI TRƯỜNG ĐÔNG ĐẶC
III.1 Tinh thể thời gian
III.2 Cơ học dBB (de Broglie-Bohm)
III.3 Liên đới lượng tử được kiểm nghiệm
III.3a Cơ học lượng tử Bayesian
III.4 Góc Magic
III.5 Suy ra lượng tử từ tương đối
III.6 Hỏi đáp về lượng tử
III.7 Niềm vui từ Môi trường Đông đặc
III.8 Dây và Môi trường Đông đặc
III.9 Có thể áp dụng thuyết lượng tử đến kích thước nào?
Chương IV: HẠT CƠ BẢN
IV.1 Japan KAGRA
IV.2 Hạt Skyrmion
IV.3 Hạt Dilaton
IV.4 Hạt axion
IV.5 Bất đối xứng của proton
IV.6 Giản đồ Quigg
IV.7 Hạt là gì?
IV.8 Hạt muon & Những lực mới
IV.9 Á hạt Fracton
Chương V: HẠT NHÂN
V.1 Tổng hợp hạt nhân
V.2 Điện hạt nhân
Chương VI: TOÁN CHO VẬT LÝ
VI.1 Chế ngự photon bằng topo
VI.2 Pha Berry và số Chern
VI.3. Xoắn tử
VI.4 Toán học
VI.5 Biên độ mặt
VI.6 Đồng điều và topo
Chương VII: CÁC LÝ THUYẾT THỐNG NHẤT
VII.1 Thời gian
VII.2 Nghịch lý Fermi
VII.3 Lượng tử và hấp dẫn
VII.4 Phía sau SM
VII.5 Một lý thuyết thống nhất
VII.6 Vũ trụ song song
VII.7 Chép đôi
VII.8 Không-thời gian và liên đới lượng tử
VII.9 Kính Spin
Index