I. THÔNG SỐ SÁCH
Tên sách: Siêu lý tình yêu - Tập 1: Triết học và thần học
Tác giả: Vladimir Soloviev
Dịch giả: Phạm VĨnh Cư
Khổ sách: 16x24 cm
Số trang: 560 trang
Loại bìa: Bìa mềm, tay gập
Giá bìa: 250.000 vnđ
II. NỘI DUNG
Nổi tiếng bởi nền văn học kỳ vĩ của mình, nước Nga cũng có một nền triết học sâu sắc và độc đáo, nhuần thấm bản sắc dân tộc và chan chứa ý nghĩa toàn nhân loại. Trong dòng chủ lưu, đó là triết học tâm linh - tín ngưỡng, triết học về cái thiêng, cái chân tồn và vĩnh tồn, về những lợi ích và mục tiêu cao nhất của nhân sinh. Trong nền triết học ấy, Vladimir Soloviev (1853-1900) chiếm giữ vị trí cao quý đặc biệt. Theo sự đánh giá nhất trí của công luận, ông là triết gia lớn nhất của nước Nga, một tên tuổi xứng đáng đặt ngang hàng với những cây đại thụ của triết học thế giới thuộc mọi thời đại. Triết học nhân bản chân chính, luôn luôn hướng tới cái tận Chân, tận Thiện, tận Mỹ của Soloviev, kinh qua những thăng trầm lịch sử, giờ đây đương phát huy mạnh mẽ sức sống, sức ảnh hưởng và cộng hưởng trong đời sống tinh thần của loài người hiện đại. Có thể thấy rõ điều này qua việc các tác phẩm của Soloviev được dịch ra hàng chục ngôn ngữ Đông-Tây, di sản tinh thần của ông được nghiên cứu chuyên sâu ở nhiều nước phát triển, trở thành đối tượng bàn luận sôi nổi tại các hội thảo và hội nghị quốc tế, kể cả những đại hội triết học thế giới.
Được phú bẩm nhiều tài năng xuất chúng, Soloviev ngoài địa hạt triết học còn thể hiện mình như một nhà thần học sâu sắc, có tư duy độc lập, một cây bút chính luận kiệt xuất, một nhà mỹ học và phê bình văn học ưu tú và một nhà thơ tài hoa, mà thi phẩm đã trực tiếp cổ vũ sự ra đời cả một trào lưu văn chương mới - chủ nghĩa tượng trưng Nga.
...
Về thời thơ ấu và niên thiếu của Soloviev chúng ta có không nhiều tư liệu. Có điều chắc chắn là từ nhỏ ông đã ham học và học giỏi. 16 tuổi, ông tốt nghiệp trung học với huy chương vàng. Nhà triết học tương lai thông thạo nhiều ngoại ngữ - ngoài những Âu ngữ chính: Pháp, Đức, Anh, Ý, Hy Lạp, Latin, Soloviev còn biết nhiều tiếng Xlavơ và đọc không khó khăn Kinh Thánh bằng tiếng Do Thái cổ và cuối đời cả kinh Coran bằng tiếng Arập. Sự uyên bác lạ thường, am thông Đông Tây kim cổ sau này sẽ cho phép Soloviev cất tiếng nói có trọng lượng về rất nhiều vấn đề thuộc nhiều lĩnh vực rất xa nhau (bạn đọc cuốn sách này có thể nhận biết điều đó ví dụ qua thiên khảo luận Trung Quốc và châu Âu), về sự phát triển tinh thần của Soloviev từ tuổi thiếu niên sang thanh niên chúng ta có những hồi ký đáng tin cậy của nhà triết học L. Lopatin, từ nhỏ chơi thân với ông. Như L. Lopatin kể lại, con người ấy, sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống sùng đạo, thời nhỏ cũng tỏ ra rất mộ đạo. Thế nhưng từ 13-14 tuổi, Soloviev đã trải qua một thời kỳ say mê chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa vô thần - say mê cuồng nhiệt đến nỗi không chịu đi lễ nhà thờ nữa và có lần đã bực tức vứt ra khỏi buồng mình những bức tranh thờ, khiến người cha vốn hiền hậu của ông phải nổi giận. Sau này chính Soloviev nói hóm hỉnh rằng thời ấy trong tâm thức ông sách giáo lý của giáo chủ Nga Filaret đã bị thay thế bằng sách giáo lý của Mochelotte và Büchner - hai nhà duy vật chủ nghĩa dung tục của Tây Âu làm mưa làm gió một thời. Cùng với chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa vô thần, người thanh niên Soloviev cũng say mê tìm hiểu những học thuyết xã hội chủ nghĩa, đọc nhiều trước tác của những người khởi xướng phong trào này. Một số yếu tố xã hội chủ nghĩa “lòng yêu chuộng công bằng bác ái xã hội, sự khẳng định quan hệ liên đới giữa xã hội và cá nhân, sự phủ nhận sở hữu tư nhân như là nền tảng bất di bất dịch của tổ chức xã hội - sẽ mãi mãi ở lại trong tư tưởng Soloviev. Nhưng cũng trong những năm niên thiếu ấy, Soloviev bắt đầu mê say khám phá triết học thế giới, và ở đây mối tình đầu của ông là nhà triết học Hà Lan gốc Do Thái Baruch Spinoza (1632-1677), người đã đồng nhất Thượng Đế với thiên nhiên, tôn thờ thiên nhiên như Thượng Đế. Ở Spinoza, trực giác sống động về bản thể thần thánh thống nhất của vạn vật kết hợp với một lối tư duy mang tính logic hình thức rất chặt chẽ - cả hai tố chất này ta sẽ tìm thấy trong triết học và thần học Soloviev sau này, chúng làm nên nét đặc trưng dễ nhận thấy của ngòi bút Soloviev.
...
Có thể nói trong số những nhà văn hóa hoạt động ở Nga nửa sau thế kỷ XIX, Vladimir Soloviev (1853-1900) chiếm giữ một vị trí cao quý đặc biệt. Theo sự đánh giá nhất trí của người Nga, ông là triết gia lớn nhất của nước Nga, là “một biểu hiện ngời sáng của thiên tài triết học Nga”, “một tên tuổi mà chúng ta (những người Nga - P.V.C.) có thể đem ra đối sánh với những cây đuốc vĩ đại của triết học thế giới” (lời của S. L. Frank, một hiền triết lớn của thế kỷ XX). Sự nghiệp của Soloviev là một kỳ công mà ngay những đối thủ tư tưởng của ông cũng không phủ nhận. Trước Soloviev, nước Nga với lịch sử nghìn năm chưa có nền triết học của riêng mình, mà mới chỉ có những tư tưởng triết học, chúng nảy sinh nhiều hơn cả trong thế kỷ XIX được gọi chuẩn xác là “thế kỷ vàng” của văn hóa Nga. Trong thế kỷ ấy, khi mà nhân loại chứng kiến “phép lạ” của sự lớn mạnh vượt bậc của văn học Nga, từ nền văn học chưa có nhiều thành tựu lớn trong vòng chỉ năm - sáu thập niên đã trở thành một trong những nền văn chương vĩ đại nhất thế giới - vĩ đại không chỉ vì khối lượng đồ sộ những kiệt tác mà nó đã làm nên, mà còn vì chiều sâu nhân bản đặc biệt của nó, vì những nhận chân và những cật vấn về thế giới và con người mà nó đặt ra - cũng trong thế kỷ ấy, hơn một nhà tư tưởng Nga ấp ủ hoài bão kiến tạo những học thuyết triết học có sức cạnh tranh với những học thuyết của các đại gia Tây Âu cùng thời. Nhưng công việc ấy hóa ra chỉ vừa sức với một mình Soloviev. Chỉ Soloviev bằng hệ thống triết học của mình - một hệ thống đa diện, sâu sắc, độc đáo, đi ngược lại dòng chủ lưu của triết học phương Tây, gắn nối triết học với tư cách một hình thức nhận thức thế giới với những bình diện cốt yếu khác của tồn tại con người - mới khẳng định được mình như một triết gia có tầm cỡ thế giới, đặt nền móng vững chắc cho truyền thống triết học của dân tộc mình. Sáng tác triết học của Soloviev - “triết gia số một của nước Nga” (tương tự như Pushkin là nhà thơ Nga số một) ngay sinh thời và nhất là sau khi ông qua đời đã tác động mãnh liệt đến tư tưởng triết học ở nước ông, gây nên trong nó một thứ “phản ứng dây truyền”, thể hiện ở sự ra đời trong vòng chỉ vài thập niên bản lề giữa hai thế kỷ XIX và XX cả một dòng triết học hùng mạnh, nhuần thấm bản sắc dân tộc và chứa chan ý nghĩa toàn nhân loại - đó là triết học tâm linh - tín ngưỡng, triết học tôn giáo luận, triết học về cái thiêng, cái chân tồn và vĩnh tồn, về những lợi ích cao nhất của nhân sinh. Là người khởi xướng và đại diện lớn nhất của dòng triết luận ấy, Soloviev tuy nhiên không khép mình trong hoạt động triết học thuần túy. Được phú bẩm nhiều tài năng xuất chúng và sống bằng nhiều mối quan tâm tinh thần nồng cháy, Soloviev trong cuộc đời bốn mươi bảy tuổi đã thể hiện mình còn như một nhà thần học sâu sắc và một nhà hoạt động tôn giáo nhiệt thành và nhìn xa thấy rộng, một cây bút chính luận kiệt xuất, một nhà phê bình văn học sắc sảo, tinh tế và một nhà thơ có biệt tài, mà những thi phẩm đã trực tiếp cổ vũ sự ra đời cả một trào lưu văn chương mới - chủ nghĩa tượng trưng Nga với những tên tuổi cự phách như A. Blok, A. Belyi, V. Ivanov...
III. MỤC LỤC
Lời nói đầu cho lần xuất bản thứ hai
Lời giới thiệu: Vladimir Soloviev - Triết gia, thi sĩ và nhà phê bình văn học
Những nguyên lý triết học của tri thức toàn vẹn
Những thuyết trình về Thần-Nhân loại
Trên đường đi tới triết học chân chính
Trung Quốc và châu Âu
Siêu lý tình yêu
Trời hay Đất?
Thư ngày Phục sinh
Bí mật của tiến bộ
Khái niệm Thánh Thần (Bênh vực triết học Spinoza)
Ý tưởng về nhân loại nơi Auguste Comte
Bi kịch cuộc đời Platon
Ý tưởng siêu nhân
Chú thích
Chú giải các tên riêng