THÔNG SỐ SÁCH
Tên sách: Chakleng - Từ mảnh ghép kí ức
Tác giả: Inrasara
Khổ sách: 16x24 cm
Số trang: 180 trang
Loại bìa: Bìa mềm, tay gập
Giá bìa: 150.000 vnđ
II. NỘI DUNG
Chakleng, làng Cham ngàn năm có tên trên bi kí. Chakleng, tên làng cũng là tên đập nổi tiếng Ninh Thuận. Chakleng được nhắc đến trong tục ngữ: ‘Palei Caklaing jih dalah, gauk glah palei Hamu Crauk’: Mĩ Nghiệp thổ cẩm, Vĩnh Thuận đồ gốm.
Và Chakleng hiện hữu cả trong tiếng hát trẻ con Cham:
Yak palei Bal Caung
Yaung palei Hamu Crauk
Carauk palei Hamu Tanran
Dran palei Bblang Kathaih
Glaih glơr pak Thon
Rwơn tatwơn pak Pabhan
Hơl wơl pak Labơk
Thơk bbơk pak Palau
Jhau rau pak Rơm
Pwơc chơm Ia Binguk
Pwơc chuk Ia Li-u
Mưk hu Cwah Patih
Abih pak Caklaing.
Công bằng làng Chung Mỹ
Rành lệ làng Bầu Trúc
Hữu Đức hay thơ văn
Khó khăn làng Vụ Bổn
Chộn rộn đất Văn Lâm
Ngang tàng làng Phất Thế
Khốn khó vùng Labơk
Vô lo dân Hiếu Thiện
Lắm chuyện người Nghĩa Lập
Đổ dồn dập về Thành Tín
Thâu gọn ở Chakleng.
Tại sao “thâu gọn ở Chakleng”? Đơn giản, bởi Chakleng sở hữu tất cả những gì palei Cham Pangdurangga có: tài năng, ngang bướng, đau khổ và kiêu hãnh. Thế nhưng bao nhiêu “có” ấy đã thất tán cùng với văn hóa, văn minh Cham, phân mảnh tản mác khắp nơi và chỉ còn đọng lại trong kí ức của bao thế hệ.
Thế nên viết về Chakleng không thể như nhà nghiên cứu viết thứ địa dư chí với các chứng cứ đầy tính khoa học, mà cần đến cách tiếp cận khác: từ kí ức những đứa con Chakleng, cả ‘urang parat’ “chú rể” về làm dân Chakleng.
Qua lối diễn đạt khác: như một chuyện kể, một oral history. Cả sử liệu được cho là chắc nịch nhất: bi kí, văn bản cổ… cũng cần được nhìn như chuyện kể, sự kiện được kể lại. Cho Chakleng sống giữa lòng đứa con Chakleng, và giữa lòng Cham.
“Chakleng, từ mảnh ghép kí ức” của…
Po Adhya Hán Bằng, Mưdwơn gru Hán Phải, ông Hà Văn Đậy, chú Thạch Chạy, chú Đạt Chữ, anh Đổng Đường, anh Dương Tấn Ngọc, Phú Văn Ngòi, Jaya Thuksiam. Xa hơn, kí ức Gru Hương palei Katuh Tuấn Tú, Giáo Bưởi, anh Ve ở Cwah Patih Thành Tín, ông Thập Văn Thơ, thầy Châu Văn Kên đất Ram Văn Lâm; ông Bá Văn Có, ông Ò dân Hamu Tanran Hữu Đức, ông Thiên Sanh Sở ở Palau Hiếu Thiện, và rất nhiều sinh linh Cham khác nữa.
Và qua cách kể của tôi: Inrasara, một kẻ kể chuyện Cham A Cham storyteller.
Đặc biệt trong những ngày khép phòng văn ghép mảnh, Quảng Đại Thính người anh cùng là bạn chỉ cốt tôi từ thơ bé, đã sát cánh canh chừng trí nhớ tôi suy tàn bất chợt, để kịp thời bổ khuyết, sửa sai. Nữa, Jaya Phú Tuệ Tri góp tiếng nói riêng qua ngôn ngữ hình ảnh đầy sáng tạo.
Tôi có nên thay mặt Chakleng nói lời cảm tạ những đứa con của Đất không? Chắc chắn là không cần thiết rồi, bởi Chakleng, từ mảnh ghép kí ức ra đời đã nói lên tất cả. Và trọn vẹn.
Chakleng, từ mảnh ghép kí ức ra mắt bạn đọc còn mang kì vọng: Qua câu chuyện của mình, sẽ là chất kích thích cho các bạn trẻ Cham yêu mến palei hơn, tạo hứng thú kể câu chuyện về palei mình, chính ‘bhum bhauk padauk kiak’ của mình.
III. MỤC LỤC
Chakleng, từ mảnh ghép kí ức
Chakleng giữa palei Cham vùng Phan Rang
I. Địa dư & Lịch sử
1. Patuw Tablah và Cakling
2. Cakling và câu chuyện ông bà nuôi Po Klaung Girai
3. Xung quanh huyền thoại Po Klaung Girai
4. Sông Lu, núi Cabbang và địa thế Chakleng
II. Chakleng các cuộc di dời và vết tích còn lại
1. Các cuộc di dời
2. Chakleng và vết tích còn lại
3. Hầm Mỹ và Karang Chakleng
4. Kut Cam Ahiêr và lễ nhập Kut
5. Các dòng họ Chakleng qua vết tích Kut
6. Các gia đình người Việt ở Chakleng
III. Đời sống Chakleng
1. Sông Lu 2 hôm nay
2. Thổ cẩm Chakleng
Câu chuyện thổ cẩm Cham
3. Danauk Po Riyak và lễ tôn vinh Thần Tri thức
4. Các thế hệ ‘Halau janưng’ Chakleng
5. Trường học và thế hệ học sinh
6. Nhân vật Chakleng
IV. Chakleng và kỉ lục vui
1. Chakleng thống nhất Xakawi thế nào?
2. Katê palei đầu tiên
3. Đám thiêu khô, sân đam, thu băng ‘Dauh’ đầu tiên
4. Nhà trưng bày văn hóa Cham Inra
5. Sân đa năng Chakleng
6. Cải cách mới
7. Ba thế hệ bóng đá
8. Chakleng hôm nay
9. Nhìn về tương lai
Phụ lục: Giai thoại Chakleng
1. Cei Halim Mưh
2. Kut Raglai và tin đồn
3. Tôi Inrasara, người chấp bút viết tập sách nhỏ này
Phụ lục ảnh
GHI CHÚ
Phần ngữ Cham được ghi theo lối chuyển tự của Từ điển Chăm - Việt, NXB Khoa học Xã hội, 1995 có chỉnh sửa.
Ngữ Cham ở trong ngoặc đơn in nghiêng, như ‘patuw siam’, ngoài các từ quen thuộc như ‘Katê’, nghĩa của ngữ Cham luôn được kèm nghĩa tiếng Việt ở trong ngoặc kép: ‘urang parat’ “người lạ”, “chú rể”.
Địa danh hay tên làng được viết như sau: palei Hamu Crauk Bàu Trúc, không cần dấu gạch ngang giữa hai từ Cham và Việt.
Tài liệu tham khảo được ghi ngay trong nội dung chương mục.
‘Chakleng’ được viết theo âm tiếng Việt, chuyển tự là ‘Caklaing’.