I. THÔNG SỐ SÁCH
Tên sách: Ánh sáng và bóng tối trên châu Âu (Hồi ức chiến tranh của người trong cuộc)
Tác giả: Stefan Zweig
Dịch giả: Phan Ba
Khổ sách: 16x24 cm
Số trang: 448 trang
Loại bìa: Bìa mềm, tay gập
Giá bìa: 200.000 vnđ
II. NỘI DUNG
Stefan Zweig (1881-1942) là tiểu thuyết gia, nhà viết kịch bản, nhà báo và viết tiểu sử người Áo. Ở đỉnh cao của sự nghiệp văn chương, vào những năm 1920 và 1930, ông là một trong những nhà văn được yêu thích nhất và được dịch nhiều nhất trên thế giới.
Ánh sáng và bóng tối trên châu Âu là hồi ký của ông, bắt đầu viết từ năm 1934 và chỉ một ngày trước khi cùng vợ tự sát vào tháng 2 năm 1942. Cuốn hồi ký không chỉ phác hoạ lại cuộc đời của đại văn hào mà còn cả lịch sử châu Âu xuyên suốt từ thời kỳ hoàng kim của thế kỷ 19, tiếp đến sự tàn phá kinh hoàng của Đệ nhất thế chiến và thời kỳ đen tối của Đức Quốc xã.
"Tôi không bao giờ cho rằng cá nhân mình quan trọng đến mức phải đặt bút kể lại những mẩu chuyện đời tôi cho người khác nghe. Đã phải nếm trải vô số những sự kiện, thảm họa và thử thách mà thế hệ độc nhất này được phân phát cho, thì tôi mới có can đảm bắt đầu một cuốn sách có cái tôi của mình là nhân vật chính hay - nói cách khác - là trung tâm điểm. Tôi hoàn toàn không có ý định đưa bản thân ra, ngoại trừ dưới vai trò là người giải thích một bài thuyết trình chỉ có hình ảnh; thời đại đưa ra hình ảnh, tôi chỉ thêm từ ngữ vào, và cái tôi thuật lại không thực sự là số phận của riêng tôi, mà là số phận của cả một thế hệ - thế hệ độc nhất chúng tôi, bị đè nặng bởi định mệnh trong diễn tiến của lịch sử. Mỗi người chúng tôi, từ người nhỏ bé nhất và tầm thường nhất, đều đã bị rúng động tới tận tâm can từ những cơn địa chấn liên miên không ngưng nghỉ trên mảnh đất Âu châu này; và chỉ là một giữa vô số những con người đó, tôi biết mình không có ưu tiên nào hơn ngoài việc: là người Áo, người Do Thái, nhà văn, nhà nhân văn và người theo chủ nghĩa hòa bình đã đứng đúng ở nơi những cơn động đất tàn phá mạnh nhất ấy. Chúng đã ba lần phá tan nhà cửa và cuộc sống của tôi, bức tôi khỏi mọi thứ đã có từ trước, khỏi quá khứ, và đẩy tôi vào nơi trống không với sự mãnh liệt đầy tính bi kịch của nó, đi vào chỗ “tôi không biết phải đi về đâu” mà tôi đã biết tới. Nhưng tôi không than vãn điều đó; chính những kẻ không có quê hương mới được tự do theo một nghĩa mới, và người không còn gắn kết với bất cứ thứ gì thì cũng không phải nhân nhượng điều gì nữa. Vì vậy mà tôi hy vọng rằng ít nhất cũng thỏa mãn được điều kiện chính của bất cứ tường thuật chân thật nào: trung thực và vô tư.
...
Tôi ra đời năm 1881 tại một trong những vương quốc hùng mạnh, dưới chế độ quân chủ của dòng họ Habsburg, nhưng đừng cố công tìm tên nó trên bản đồ: nó đã bị xóa sổ, không còn vết tích. Tôi lớn lên ở Wien, thủ phủ siêu quốc gia hai ngàn năm tuổi, và đã phải rời bỏ nó ra đi như một kẻ tội phạm, trước khi nó trở thành một tỉnh lỵ Đức. Những tác phẩm văn học viết bằng tiếng mẹ đẻ của tôi đã bị đốt cháy thành tro, ở chính quê nhà nơi chúng đã bầu bạn với hàng triệu bạn đọc. Vì vậy mà tôi không còn thuộc về bất cứ nơi đâu, ở nơi nào cũng là một người lạ, hữu hảo nhất thì là một người khách; cả quê hương thật sự lẫn quê hương mà con tim tôi chọn lấy, châu Âu, tôi cũng đều đã đánh mất, kể từ khi nó cắn xé lần thứ hai trong cuộc chiến huynh đệ tương tàn.
...
Tôi nhận thức được hoàn cảnh không thuận lợi, nhưng hết sức đặc trưng của thời chúng tôi, thời mà tôi tìm cách ghi lại từ những ký ức của tôi ở đây. Tôi viết chúng trong chiến tranh, tôi viết chúng ở chốn xa lạ và không có bất cứ thứ gì hỗ trợ cho ký ức. Trong gian phòng khách sạn của tôi, tôi không có lấy một quyển sách nào của tôi, không một ghi chép, không một lá thư của bạn bè. Tôi không thể lấy thông tin ở bất cứ đâu, vì thư tín từ nước này sang nước khác đã bị gián đoạn hay bị ngăn chặn bởi kiểm duyệt trên toàn thế giới. Chúng tôi sống cô lập như trước đây hàng trăm năm, trước khi tàu hơi nước, tàu hỏa và máy bay và bưu điện được phát minh ra. Tức là tất cả quá khứ của tôi, tôi không có gì ở lưu lại bên mình ngoài những gì ở trong đầu tôi. Tất cả những thứ khác đối với tôi ở thời điểm này là không thể tiếp cận được hay đã mất đi. Nhưng nghệ thuật không thương tiếc những thứ gì mất đi đã được thế hệ chúng tôi học thật kỹ, và có lẽ việc mất ghi chép và chi tiết thậm chí lại trở thành một lợi thế cho quyển sách của tôi. Vì tôi không xem ký ức như là một thứ chỉ tình cờ giữ thứ này lại và tình cờ đánh mất đi thứ khác, mà là một sức mạnh biết rõ cách sắp xếp trật tự và lược bỏ một cách khôn ngoan. Tất cả những gì người ta quên đi từ cuộc đời của chính mình thì thật ra là đã bị bản năng bên trong quyết định rằng phải quên. Chỉ những gì tôi muốn gìn giữ lại cho chính tôi thì mới có quyền được gìn giữ lại cho người khác. Vì vậy, hỡi các ký ức, hãy thay tôi nói và lựa chọn, hay ít nhất là hãy đưa ra một phản ánh cuộc đời tôi, trước khi nó chìm vào trong tối tăm!"
(Trích Lời nói đầu, Ánh sáng và bóng tối trên châu Âu, Stefan Zweig, Phan Ba dịch, Nxb Tri thức, tháng 11/2021)
II. MỤC LỤC
Lời nói đầu
Thế giới an bình
Trường học ở thế kỷ trước
Tình dục đầu đời
Thời sinh viên
Paris, mãi mãi là thành phố của tuổi trẻ
Những con đường vòng vèo đi đến chính tôi
Ra khỏi châu Âu
Ánh sáng và bóng tối trên châu Âu
Những giờ đầu tiên của cuộc chiến tranh năm 1914
Cuộc đấu tranh vì tình huynh đệ
Ở giữa châu Âu
Trở về quê hương Áo
Lại đi ra thế giới
Hoàng hôn
Hitler bắt đầu
Nỗi thống khổ của hòa bình
IV. ĐIỂM NHẤN
"Một bức tranh châu Âu tráng lệ với tất cả chân dung rực rỡ của những thiên tài cùng thời: Goethe, Rilke, Richard Strauss... Một kiệt tác của Zweig".
"Một hồi ức nhức nhối... của một người đi qua hai cuộc thế chiến và không có quê hương".
"...Nhưng bóng tối nào thì rốt cuộc cũng là đứa con của ánh sáng, và chỉ ai trải qua sáng và tối, chiến tranh và hoà bình, vươn lên và suy tàn thì người đó mới thực sự sống".
"Một trong những cuốn hồi ký vĩ đại nhất thế kỷ 20"
"Một trong những di sản kinh điển của châu Âu..."