I. THÔNG SỐ SÁCH
Tên sách: Khái niệm văn hóa trong khoa học xã hội
Tác giả: Denys Cuche
Dịch giả: Lê Minh Tiến
Số trang: 400 trang
Khổ sách: 13x20,5 cm
Loại sách: bìa mềm, tay gập
Giá bìa: 125.000 VNĐ
II. GIỚI THIỆU SÁCH
“Khái niệm văn hóa gắn liền với tư duy của các ngành khoa học xã hội. Bằng cách nào đó, các ngành khoa học cần nó để suy tư về tính thống nhất trong sự đa dạng xét về mặt sinh học của loài người. Có vẻ văn hóa mang lại câu trả lời thỏa đáng nhất cho câu hỏi về sự khác biệt giữa các dân tộc, câu trả lời “mang tính chủng tộc” ngày càng tỏ ra mất giá trị trước sự tiến triển về di truyền học nơi các nhóm người.
Xét về bản chất, con người là một hữu thể văn hóa. Quá trình dài tiến hóa thành người, được bắt đầu trên dưới 15 triệu năm, đã chuyển từ sự thích nghi di truyền với môi trường tự nhiên sang sự thích nghi văn hóa. Trong quá trình tiến hóa này, đã dẫn đến loài Người tinh khôn (Homo sapiens), loài người đầu tiên, diễn ra một sự thoái triển tuyệt vời về bản năng, dần dần “được thay thế” bằng văn hóa, tức là qua sự thích nghi có chủ ý và có kiểm soát của con người thể hiện sự thích nghi mang tính chức năng nhiều hơn là sự thích nghi mang tính di truyền, bởi vì sự thích nghi này linh hoạt hơn, chuyển giao dễ hơn và nhanh hơn. Văn hóa không chỉ cho phép con người thích nghi với môi trường mà còn làm cho môi trường thích nghi với con người, với những nhu cầu, những dự án của con người, nói cách khác, văn hóa làm cho việc biến đổi tự nhiên trở nên khả dĩ.
Nếu mọi “quần thể” người sở hữu cùng một khối di truyền, các quần thể này phân biệt với nhau qua những lựa chọn văn hóa, mỗi quần thể sáng tạo ra các giải pháp độc đáo cho những vấn đề mà họ đối diện. Tuy nhiên, những khác biệt ấy không phải là không thể thỏa hiệp với nhau, vì xét đến sự thống nhất về mặt di truyền của loài người, những khác biệt ấy thể hiện cách sử dụng các nguyên tắc văn hóa phổ quát có khả năng tiến hóa và kể cả biến đổi.
Vì thế, khái niệm văn hóa tỏ ra là một công cụ thích hợp để kết thúc lối giải thích mang tính tự nhiên đối với các hành vi của con người. Nơi con người, tự nhiên được giải thích hoàn toàn bằng văn hóa. Những khác biệt có vẻ ít nhiều được gắn với các đặc tính sinh học như, sự khác biệt về giới tính, tự nó không bao giờ được quan sát ở “tình trạng thô” (tự nhiên), bởi vì có thể nói văn hóa được nhìn thấy “cách tức thì” trong sự khác biệt đó. Sự phân công vai trò giới và trách nhiệm trong xã hội loài người chủ yếu xuất phát từ văn hóa, và vì thế nó thay đổi từ xã hội này sang xã hội khác.
Khái niệm văn hóa, được hiểu theo nghĩa rộng, hướng đến lối sống và tư tưởng, ngày nay đã được chấp nhận một cách rộng rãi, dù đôi khi cũng dẫn đến những mơ hồ nào đó. Nhưng đó không phải là vấn đề. Kể từ khi xuất hiện vào thế kỉ XVIII, ý niệm hiện đại về văn hóa đã không ngừng gây ra những tranh luận rất gay gắt. Dù cho có được định nghĩa rõ ràng như thế nào - và không thiếu các định nghĩa - những bất đồng vẫn luôn tồn tại trong cách hiểu về văn hóa cho thực tại này hay thực tại khác. Đó là việc sử dụng khái niệm văn hóa vào trong lĩnh vực biểu tượng, vào cái chạm đến ý nghĩa, tức là cái khó đồng thuận nhất.
Các ngành khoa học xã hội, mặc cho có sự lo ngại về tính tự trị nhận thức luận, không bao giờ hoàn toàn độc lập với các bối cảnh học thuật và ngôn ngữ học mà trong đó chúng tạo dựng những lược đồ lí thuyết và khái niệm của mình. Do đó, khảo cứu khái niệm văn hóa hàm chứa việc nghiên cứu tiến hóa lịch sử của nó, mà bản thân sự tiến hóa này cũng được gắn trực tiếp với nguồn gốc xã hội của ý niệm hiện đại về văn hóa.
Do vậy cuốn sách này, có mục tiêu trình bày khái niệm văn hóa như nó được định nghĩa và được sử dụng trong các ngành khoa học xã hội, không phải là suy tư về văn hóa theo cách hiểu hạn hẹp, tức văn hóa là cái mang tính hàn lâm, “có văn hóa” (cultivée) vốn [chỉ] đề cập các tác phẩm được gọi là văn hóa và các thực hành gắn liền với chúng. Vì thế, người đọc không nên mong đợi tìm thấy trong cuốn sách này việc trình bày những công trình xã hội học về sự sáng tạo nghệ thuật và việc hưởng thụ văn hóa có liên quan đến sân khấu, điện ảnh, việc đọc, việc lui tới các bảo tàng, v.v. vốn là một phần quan trọng của các nghiên cứu được gọi là xã hội học văn hóa (la sociologie de la culture).
Trong khuôn khổ cuốn sách này, không thể trình bày hết mọi cách dùng khái niệm văn hóa có thể có trong các ngành khoa học xã hội và nhân văn. Ở đây, xã hội học và nhân học được ưu tiên, nhưng các lĩnh vực khác cùng dùng đến khái niệm văn hóa: tâm lí học và nhất là tâm lí học xã hội, phân tâm học, ngôn ngữ học, lịch sử, kinh tế, v.v. Ngoài các ngành khoa học xã hội, khái niệm này cũng được các nhà triết học sử dụng theo cách riêng biệt. Vì không thể nào bao hàm toàn bộ được, nên thật chính đáng khi chỉ tập trung vào một số hiểu biết nền tảng trong phân tích văn hóa”.
(Trích Dẫn nhập - Khái niệm văn hóa trong khoa học xã hội)
III. MỤC LỤC
Dẫn nhập
I/ Nguồn gốc xã hội của từ “văn hóa” và ý niệm “văn hóa”
Sự tiến hóa của từ [văn hóa] trong tiếng Pháp từ thời Trung Cổ đến Thế kỉ XIX
Tranh luận giữa Pháp và Đức về văn hóa, hay là phản đề “văn hóa” >> - << “văn minh” (thế kỉ XIX - đầu thề kỉ XX)
II/ Sự ra đời của khái niệm khoa học về văn hóa
Tylor và quan niệm mang tính phổ quát về văn hóa
Boas và quan niệm đặc thù về văn hóa
Ý niệm về văn hóa của những nhà sáng lập dân tộc học Pháp
Một ghi nhận: sự thiếu vắng khái niệm khoa học về văn hóa trong nghiên cứu ở Pháp thời kì đầu
Durkheim và lối tiếp cận đơn nhất đối với các hiện tượng văn hóa 61
Lévy-Bruhl và lối tiếp cận [mang tính] khác biệt
III/ Thắng lợi của khái niệm văn hóa
Các lí do thành công
Di sản của Boas: lịch sử văn hóa
Malinowski và phân tích chức năng về văn hóa
Trường phái “văn hóa và nhân cách”
Ruth Benedict và các “kiểu loại văn hóa”
Magaret Mead và sự truyền giao văn hóa
Linton, Kardiner và “nhân cách cơ bản”
Những bài học từ nhân học văn hóa
Lévi-Strauss và phân tích cấu trúc về văn hóa
Thuyết duy văn hóa và xã hội học: các khái niệm “tiểu văn hóa” và “xã hội hóa”
Tiếp cận tương tác luận về văn hóa
IV/ Nghiên cứu các mối quan hệ giữa các nền văn hóa và việc cách tân khái niệm văn hóa
“Sự mê tín với cái nguyên thủy”
Sự ra đời của khái niệm tiếp biến văn hóa
Bản ghi nhớ dành cho việc nghiên cứu tiếp biến văn hóa
Việc đào sâu lí thuyết
Lí thuyết về sự tiếp biến văn hóa và thuyết duy văn hóa
Roger Bastide và các khuôn khổ xã hội của tiếp biến văn hóa
Mối quan hệ giữa cái xã hội và cái văn hóa
Loại hình các tình huống tiếp xúc văn hóa
Nỗ lực giải thích các hiện tượng tiếp biến văn hóa
Làm mới khái niệm văn hóa
Đổi mới các nghiên cứu về tiếp xúc văn hóa
V/ Thứ bậc xã hội và thứ bậc văn hóa
Văn hóa thống trị và văn hóa bị trị
Văn hóa bình dân
Khái niệm “nền văn hóa của sự nghèo đói”
Khái niệm “văn hóa đại chúng”. Hướng đến quá trình toàn cầu hóa văn hóa?
Văn hóa giai cấp
Max Weber và sự ra đời của giai cấp doanh nhân tư bản
Văn hóa công nhân
Văn hóa tư sản
Bourdieu và khái niệm “tập tính”
VI/ Văn hóa và căn tính
Các quan niệm khách quan luận và chủ quan luận về căn tính văn hóa
Quan niệm quan hệ [luận] và tình huống [luận]
Căn tính, việc của Nhà nước
Căn tính đa chiều kích
Các chiến lược căn tính
Các “ranh giới” của căn tính
VII/ Mở rộng khái niệm văn hóa sang các lĩnh vực ứng dụng mới
Phê bình “sinh thái học văn hóa”
Văn hóa, phát triển và kém phát triển
Vấn đề về mối quan hệ giữa phát triển và văn hóa
Việc “khám phá lao động”
Văn hóa và “dân số học thông hiểu”
Sự ra đời của dân số học nhân học
“Dân số học thông hiểu”
Khái niệm “văn hóa chính trị”
VIII/ Văn hóa doanh nghiệp và văn hóa nghề nghiệp
Khái niệm “văn hóa doanh nghiệp”
“Văn hóa doanh nghiệp” và quản lí
Tiếp cận xã hội học về văn hóa doanh nghiệp
Trường lớn và văn hóa
Một ví dụ về văn hóa nghề nghiệp: văn hóa quân sự
IX/ Di dân quốc tế và biến chuyển văn hóa
“Văn hóa của người nhập cư” và “văn hóa gốc”
Những mập mờ của khái niệm “liên văn hóa”
Các cộng đồng di cư và văn hóa của cộng đồng di cư
Vấn đề của chủ nghĩa đa văn hóa
Kết luận dưới dạng nghịch lí: sử dụng đúng thuyết tương đối luận văn hóa và [thái độ] vị chủng
Thư mục tham khảo