Nikolay Berdyaev (1874 - 1948): triết gia Nga nổi tiếng của thế kỉ XX. Năm 1922, ông cùng nhiều trí thức và những người hoạt động văn hóa nổi tiếng khác bị trục xuất khỏi nước Nga Xô viết. Sau khi bị trục xuất, ông sống ở Đức rồi định cư tại Pháp.
Ông cùng S.L.Frank và S.N.Bulgakov đặt cơ sở cho sự phục hưng nền triết học tôn giáo Nga. Ông đã xây dựng triết học về bản diện cá nhân và tự do trong tinh thần của chủ nghĩa hiện sinh. Nikolay Berdyaev được xem là người có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của chủ nghĩa hiện sinh Pháp.
Berdyaev nhận xét rằng khi con người sống trong một thời kì tương đối ổn định nào đó thì thường chưa có được nhận thức lịch sử về thời kì đó do thói quen tư duy tĩnh tại. Nhưng khi sự vận động lịch sử bắt đầu xảy ra với các tai biến và thảm họa, vốn là thứ xảy ra lặp đi lặp lại trong lịch sử nhân loại, những biến cố lịch sử ấy thường dẫn đến tình trạng chủ thể nhận thức lịch sử không cảm thấy mình hiện hữu trực tiếp và toàn vẹn ở trong đối tượng lịch sử. Những thời kì như vậy sẽ sinh ra phản tư nhận thức lịch sử. Thế nhưng tình trạng này không thuận lợi cho việc thấu hiểu đích thực quá trình lịch sử, vì xảy ra đứt đoạn giữa chủ thể và khách thể. Chỉ khi chủ thể nhận thức lịch sử vượt qua được tình trạng phân đôi ấy và tiếp nhận biến cố lịch sử như một thực tại ở bên trong thế giới tinh thần của chính mình, chứ không như một thứ từ bên ngoài áp đặt bạo lực đối với mình mà mình phải chống lại; chỉ khi đó nhận thức lịch sử chân chính mới là khả dĩ.
Berdyaev hiểu lịch sử như một bi kịch của số phận con người, vì con người là đứa con của Thượng Đế (chứ không phải của thế giới tự nhiên). Con người được phú cho TỰ DO, vốn là một thứ phi lí tính đầy huyền bí. Tự do ấy là ngọn nguồn của tính bi kịch trong lịch sử, bởi vì tự do hàm nghĩa cả tự do của điều thiện cũng như cả tự do của cái ác. Ông viết: “Con người như đứa con của Thượng Đế được phú cho cái tự do ấy, nên vì vậy tự do đó là ngọn nguồn tính bi kịch của số phận con người, bi kịch của lịch sử cùng với tất cả những xung đột và thảm cảnh, tự do theo chính thực chất của nó đề xuất tự do không chỉ của điều thiện, mà còn của cái ác nữa. Giả sử như chỉ hiện hữu có tự do của điều thiện, tự do của Thượng Đế, như một tiền định nào đó ở số phận con người, nếu thế thì hẳn đã chẳng có quá trình thế giới. Quá trình thế giới và quá trình lịch sử hiện hữu bởi vì tự do của điều thiện và của cái ác được đặt vào cơ sở của nó, tự do rời khỏi ngọn nguồn của đời sống Thượng Đế cao cả, tự do trở về và đi đến với nó. Tự do ấy của cái ác là cơ sở đích thực của lịch sử”.
Từ những tiền đề tôn giáo Berdyaev đưa ra những kiến giải về các thời kì của lịch sử nhân loại: thời Cổ đại, Trung thế kỉ, Phục hưng, Khai sáng và Tân lịch sử. Những thời kì này diễn ra từ thời Hi Lạp Cổ đại cho đến cuối thế kỉ XIX. Những kiến giải của ông xung đột với các định kiến quen thuộc của khá nhiều người...
3) Mục lục
Lời nhà xuất bản
Lời dẫn
Lời nói đầu
Chương I. Về thực chất của tính lịch sử. Ý nghĩa của truyền thuyết
Chương II. Về thực chất của tính lịch sử. Tính siêu hình và tính lịch sử
Chương III. Về lịch sử ở-trên-trời. Thượng Đế và con người
Chương IV. Về lịch sử ở-trên-trời. Thời gian và vĩnh hằng
Chương V. Số phận của cộng đồng Do Thái
Chương VI. Kitô giáo và lịch sử
Chương VII. Phục hưng và chủ nghĩa nhân văn
Chương VIII. Kết thúc thời Phục hưng và khủng hoảng của chủ nghĩa nhân văn. Cuộc xâm nhập của máy móc
Chương IX. Kết thúc thời Phục hưng và khủng hoảng của chủ nghĩa nhân văn. Sự tan rã hình tượng con người.
Chương X. Học thuyết về tiến bộ và hồi kết thúc lịch sử
Phụ lục
Ý chí hướng tới đời sống và ý chí hướng tới văn hóa
4) Điểm nhấn
“Lịch sử và tất cả những gì mang tính lịch sử theo bản chất của nó là như sau: chẳng có thực hiện hoàn hảo nào trong dòng chảy thời gian là khả dĩ. Thế nhưng cái trải nghiệm khai mở ra trong số phận lịch sử có một ý nghĩa sâu sắc và nằm bên ngoài sự thực hiện và hiện thực hóa; nó khai mở ra ở ngoài phạm vi lịch sử. Thất bại ở thế giới bên này vốn đập vào mắt chúng ta thật đau đớn và làm chúng ta sửng sốt ở trong phạm vi thời gian lịch sử, ở trong giới hạn thực tại trần thế mang tính thời gian, [thất bại ấy] không có nghĩa là một thất bại tận cùng nào đó ở thế giới bên kia, mà chỉ chứng tỏ rằng con người và nhân loại ở trong các số phận của mình được hiệu triệu hiện thực hóa các tiềm năng của mình ở mức cao nhất, vượt cao hơn vô cùng tất cả những hiện thực hóa mà con người đang cố đạt tới ở trong đời sống lịch sử của mình”.