divivu logo
Những di chỉ của ký ức
| Chia sẻ |
Những di chỉ của ký ức
Cập nhật cuối lúc 20:39 ngày 06/07/2020, Đã xem 821 lần
  Đơn giá bán: 96 000 đ
  Model:   Bảo hành: 0 Tháng
  Tình trạng: Hết hàng
Hãng vận chuyển Xem chi tiết
Từ: Hà Nội Chuyển đến:
Số lượng: Quyển Khối lượng: 0 g
Phí vận chuyển: 0 Gộp vào đơn hàng
Tổng chi phí: 96 000 đ
Nhà cung cấp (Đã được xác thực)
Nhà xuất bản Tri thức
Nhà xuất bản Tri thức
Tầng 1 - Tòa nhà VUSTA - 53 Nguyễn Du - Quận Hai Bà Trưng - Hà Nội , Hai Bà Trưng, Hà Nội
http://nxbtrithuc.com.vn
84 - 024 - 39454661
lienhe@nxbtrithuc.com.vn
Chưa cập nhật hỗ trợ trực tuyến
Chi tiết sản phẩm

Tên sách: Những di chỉ của ký ức

Tác giả: Pierre Nora

Dịch giả: Đinh Chân, Nguyễn Kiến Giang, Đỗ Ngọc Quý, Vũ Căn, Mai Luân, Trần Thư

Hiệu đính: Đào Hùng

Số trang: 580 trang

Khổ sách: 16 x 24 cm

Giá bìa: 96.000 VND

Nhà xuất bản Tri thức, 2009 

LỜI GIỚI THIỆU 

Con người dù ở bất cứ thời đại nào cũng đều mang trong mình những ký ức của thời đã qua, những ký ức đó đọng lại trong tâm thức để trở thành cái gọi là di sản và truyền thống. Chính qua những ký ức mà con người cảm nhận được lịch sử. Đó có thể là những ký ức vật thể như những lâu đài, cung điện, những pho tượng và đài tưởng niệm, hoặc là những ký ức phi vật thể như những bài hát, diễn văn, điếu văn, các thiết chế, các dòng họ… đều được hình thành trong bối cảnh lịch sử nhất định diễn ra trong quá trình hình thành của dân tộc.

Chính vì để xác định lại truyền thống dân tộc thông qua những ký ức cụ thể, mà nhà sử học Pháp Pierre Nora đã chỉ đạo biên soạn bộ Những di chỉ của ký ức (Les lieux de mémoire) tập hợp hơn 60 nhà sử học hàng đầu của nước Pháp để xây dựng nên công trình đồ sộ này. Trong công trình này, các tác giả đã điểm lại hầu hết những hình ảnh tiêu biểu trong ký ức của người Pháp trải qua nhiều thế hệ, tạo nên di sản văn hóa dân tộc.

Công trình được tiến hành biên soạn trong một thời gian dài. Phần một, Nước Cộng hòa, xuất bản năm 1984. Phần hai gồm 3 tập dành cho Quốc gia, ra đời năm 1986. Cuối cùng là Phần ba gồm 3 tập nhưng dày hơn các tập trước, Các Nước Pháp, ra đời năm 1992. Sự phát triển của 7 tập đã vượt xa dự kiến ban đầu. Từng bước một, với dự định soi sáng những di chỉ mang một ký ức đặc biệt có ý nghĩa, công trình trở thành một dự án có tham vọng lớn hơn để trở thành lịch sử nước Pháp qua ký ức. Tất cả gồm 132 đề mục, tức 132 bài của nhiều tác giả khác nhau. Các tác giả đã đi từ những địa điểm tưởng niệm cụ thể như đài liệt sĩ hay điện Panthéon, với những công cụ khác nhau về biểu hiện như bảo tàng, nơi tưởng niệm, hồ sơ lưu trữ, châm ngôn hay biểu trưng. Nó còn đề cập đến những hiện tượng xa hơn như: các thiết chế, đường biên giới, tổ chức hành chính, các thế hệ… Tất cả nhằm xác định vị trí và phân tích những biểu tượng của huyền thoại quốc gia nước Pháp. Đối với độc giả bình thường của nước Pháp, công trình này đã được rút gọn lại thành 3 tập mà chúng tôi hiện có trong tay.

Để giúp bạn đọc tiếp cận được vấn đề một cách dễ dàng, chúng tôi chỉ chọn ra 20 đề mục quen thuộc với độc giả Việt Nam, mà qua đó chúng ta có thể lấy làm điểm quy chiếu khi tìm hiểu lịch sử của mình. Trong khi dịch, chúng tôi không ghi lại những trích dẫn và thư mục sách dẫn, vì có nhiều tác phẩm độc giả Việt Nam đưa vào chỉ làm rối mắt bạn đọc. Các dịch giả đã cố gắng truyền tải những vấn đề rắc rối của lịch sử nước Pháp, nhưng do trình độ có hạn, nên không tránh khỏi có những thiếu sót. Mong rằng đây sẽ là cuốn sách tham khảo có ích cho bạn đọc.

Cuốn sách này được Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức dịch. Chúng tôi xin chân thành cảm ơn các dịch giả, phần lớn là những người cao tuổi, trong đó có những người hiện không còn nữa, đã góp phần truyền tải nội dung những bài viết nhiều khi rất khó hiểu sang tiếng Việt với văn phong trong sáng, giúp cho người đọc tiếp cận một cách dễ dàng.

HỘI KHOA HỌC LỊCH SỬ VIỆT NAM 

*****

Trích sách :

LỜI NÓI ĐẦU

Cuốn sách này ra đời từ một cuộc hội thảo do tôi chủ trì trong ba năm, từ 1978 đến 1981, tại Trường Cao học về các Khoa học Xã hội. Sự biến mất nhanh chóng của ký ức dân tộc chúng ta có lẽ đã thúc giục tôi lập một bảng danh mục về những điểm thể hiện ký ức đó một cách có chọn lọc và do ý muốn của con người hay do sự vun đắp của nhiều thế kỷ, những điểm đó đã còn lại như những tượng trưng rực rỡ: những lễ hội, những biểu tượng, những tượng đài và nơi tưởng niệm, và cả những bài ca ngợi, những từ điển và những viện bảo tàng nữa.

Tại sao trong những ý niệm chung về ký ức dân tộc ấy, chúng ta lại lựa chọn một số trường hợp để nghiên cứu? Theo tôi, những điểm ký ức nổi hẳn lên do chính sự tồn tại và sức nặng hiển nhiên của chúng, do những tính chất mơ hồ mang theo cùng một lúc cả ký ức, cả dân tộc và những quan hệ phức tạp của chúng. Những đối tượng, những công cụ hay những định chế của ký ức là những chất kết tủa hóa học thuần túy.

Cần phải hiểu những điểm này theo tất cả các nghĩa của từ đó, từ cái vật chất và cụ thể nhất như những tượng đài tưởng niệm người chết và những hồ sơ lưu trữ quốc gia, đến cái trừu tượng nhất và được dựng bằng trí tuệ như khái niệm dòng họ, thế hệ, hoặc cả khái niệm vùng và "con người - ký ức" (homme-mémoire). Từ nơi cao cả mang tính thiêng liêng được quy định, như thành Reims hay điện Panthéon, đến sách giáo khoa khiêm nhường của thời thơ ấu nền Cộng hòa của chúng ta. Từ những biên niên sử Saint - Denis ở thế kỷ XIII, cho đến kho tàng tiếng Pháp; qua Điện Louvre, bài La Marseillaise và từ điển bách khoa Larousse.

Đó là những ngã tư đường nơi giao thoa của rất nhiều chiều. Chiều ghi chép lịch sử luôn luôn có mặt, vì đó là lịch sử của lịch sử, là chất liệu để xây dựng lịch sử, lịch sử những công cụ, của việc sản xuất và trình tự sản xuất ra nó. Nhưng cũng là chiều ghi chép tộc người học nữa, vì bao giờ chúng ta cũng phải tách khỏi những tập quán quen thuộc nhuốm hơi ấm truyền thống của chúng ta, và phải vẽ lại bản đồ địa lý tinh thần của chính chúng ta. Đó còn là chiều tâm lý, vì chúng ta phải xác định sự phù hợp của cái cá nhân với cái tập thể, và phải dò dẫm đưa các khái niệm - cái vô thức, sự tượng trưng hóa, sự kiểm duyệt, sự chuyển dịch vào trường xã hội, mà ở bình diện cá nhân việc định nghĩa những khái niệm đó không sáng rõ và cũng không chắc chắn. Đó cũng còn là - và có thể nhất là - chiều chính trị, nếu hiểu chính trị là một trò chơi của sức mạnh làm biến đổi hiện thực. Như vậy, ký ức là một cái khung hơn là một nội dung, một sự tranh chấp luôn luôn diễn ra, một tập hợp những chiến lược, một thực thể được đánh giá theo những gì người ta làm ra nó hơn là những gì nó đang có. Nghĩa là ở đây người ta đụng tới chiều văn học của những điểm ký ức, mà sự thích thú về chúng rốt cuộc là dựa vào nghệ thuật đạo diễn và sự nhập cuộc cá nhân của nhà sử học.

Không thể làm một ông chủ đi vòng quanh lĩnh vực mênh mông này, vì nó không phải chỉ gồm sự thờ cúng người chết và toàn bộ di sản luôn luôn dãn nở, mà còn gồm tất cả những yếu tố chi phối cấu trúc của quá khứ trong cái hiện tại; và bởi vì ký ức - theo nghĩa được hiểu ở đây - không đối lập với sự quên lãng mà bao gồm nó, và không đồng nhất với kỷ niệm mà đòi nó phải có. Không thể xem xét hết tất cả được, ở đây chúng tôi chỉ chú trọng tới những loại chủ đề đã ghi nhớ, tới chất lượng nhìn, tới việc xây dựng các đối tượng, tới sự phong phú và sự khác nhau của các cách tiếp cận, và, rốt cuộc, tới sự cân bằng chung của một tập hợp rộng lớn với hơn sáu mươi người trong số những nhà sử học giỏi nhất nhận cộng tác. Chất liệu nước Pháp là vô tận.

Trước hết là nền Cộng hòa, với những tượng trưng, những tượng đài của nó, với lối giáo dục của nó, những tưởng niệm về nó, và những nơi phản ký ức của nó được lấy làm khuôn mẫu. Rồi đến Quốc gia xoay quanh những chủ đề chính: di sản xa xưa, những thời điểm lớn làm thay đổi ký ức lịch sử của nó, những biên giới trong đó nó đã xác định chủ quyền và "sự tồn tại chung" của nó, cái cách mà người ta có thể giải mã những phong cảnh và những không gian của nó với tư cách nghệ sĩ hay nhà bác học. Nhưng đó cũng là những điểm cô đọng hơn cả của quan niệm dân tộc về vai trò của Nhà nước, về sự vĩ đại của những vinh quang quân sự và dân sự , về di sản tượng đài và nghệ thuật, về văn chương, và, cuối cùng, về tiếng nói của nó. Cuối cùng là các Nước Pháp: chính trị, xã hội, tôn giáo, vùng. Từ Cộng hòa, Quốc gia, các Nước Pháp: cuộc hành trình được quy định một cách logic. Từ cái đơn giản nhất đến cái phức tạp nhất, từ nội dung đến cái chứa đựng nội dung, từ cái dễ tìm ngày tháng nhất đến cái khó tìm nhất, từ cái địa phương nhất đến cái chung nhất, từ cái gần nhất đến cái xa nhất về thời gian, từ cái mang tính chính trị nhất đến cái phàm tục nhất, từ cái thống nhất hơn cả đến cái khác nhau nhất, từ cái hiển nhiên nhất đến cái mơ hồ nhất.

Nhưng giữa ba phần này, sự tiến triển không theo đường thẳng. Nền Cộng hòa phải được nhớ gấp đôi, vì chế độ chính trị này đã trở thành bản tính thứ hai của chúng ta, nó không chỉ là một mảnh ký ức dân tộc của chúng ta, mà là sự xác định lại một cách tổng hợp và sự đạt tới của nó. Chính vì thế, thật chính đáng khi trình bày nó thành truyền thống trung tâm và không thể phân chia mà không bị vướng vào rất nhiều sự bắt bẻ đối với cách trình bày này. Cũng thật chính đáng khi nhấn mạnh đến nền Cộng hòa thứ III trong các nền cộng hòa, vì đó là nền cộng hòa đích thực nếu không nói là duy nhất đối với mọi người Pháp và đặc biệt tới thời kỳ thành lập của nó với một chiến lược ký ức thật sự mà hai nền cộng hòa kia không có: đi ngược lên là thời kỳ Cách mạng, đi xuôi xuống là thời kỳ từ Mặt trận nhân dân đến Kháng chiến. Cũng chính đáng khi nhấn mạnh đến những công cụ giáo dục trong phần cốt lõi của nó, vì toàn bộ nền Cộng hòa này là một sự học tập và lịch sử của nó là lịch sử sự tiếp nhận những giá trị văn hóa mới. Nếu trường học, sách giáo khoa và giáo viên từ hai mươi năm nay là đối tượng của một sự nghiên cứu phong phú, thì chỉ gần đây người ta mới nghiên cứu chế độ Cộng hòa ở làng mạc và việc chính trị đi xuống với quần chúng, để sau đó lao vào những tranh ảnh và những bức họa phúng dụ cộng hòa, đặc biệt là hình tượng Marianne, chỉ rất gần đây người ta mới nhấn mạnh lợi ích của việc nghiên cứu các lễ hội cộng hòa, tương tự như Lễ hội cách mạng trước đây. Và cũng mới gần đây, người ta thử viết một lịch sử phê phán về ý tưởng cộng hòa và mới có thể làm một sự tổng hợp về Đời sống chính trị dưới nền Cộng hòa thứ III được quan niệm như một thứ văn hóa; cuối cùng, người ta chú ý tới những cuộc triển lãm toàn thế giới cũng như thấy cần phải biện hộ chung cho môn khảo cổ học văn hóa về cộng hòa.

Người ta đã tìm cách trộn lẫn những điểm hiển nhiên, không thể tranh cãi và thường được thăm viếng của ký ức cộng hòa với những điểm ít hiển nhiên hơn, như lịch cách mạng; thậm chí với những điểm chưa từng biết, như một thư viện bình dân ở Marais hay Từ điển sư phạm của Fernand Buisson. Đó là những điểm không vinh quang, ít được những người nghiên cứu lui tới và biến mất trong sự lưu thông, nhưng dưới con mắt chúng ta đó là những điểm ký ức rõ nhất và khá độc đáo. Vì mở quá rộng khái niệm này, người ta dễ vấp phải nguy cơ lén lút trượt sang khái niệm gần gũi nhưng khác với nó là điểm bản sắc. Đến nỗi chung quanh những biểu hiện rực rỡ được thừa nhận tập thể, như bài hát La Marseillaise, cờ ba sắc, người ta muốn bố trí những điểm khiêm nhường, nơi ký ức của nền Cộng hòa được xây dựng một cách thầm kín nhưng lại càng thuyết phục hơn.

Với Quốc gia, không chỉ có cái khung của nó dãn nở, mà chủ thể của nó cũng thay đổi. Bởi vì người ta không thể có tham vọng dựng lên một cách rõ ràng danh mục đầy đủ của động sản quốc gia, dù chỉ tự giới hạn vào những bộ phận đồ sộ nhất của nó: người ta lại càng dễ dàng bác bỏ rằng những điểm ký ức không phải là những gì người ta nhớ lại, mà là nơi ký ức hoạt động; không phải là chính bản thân truyền thống mà là phòng thí nghiệm của nó. Cũng không cần phải tách riêng ra những yếu tố cấu tạo và quyết định sự nhận biết dân tộc: làm như vậy là quay ngược lại niên đại. Ở đất nước này, nơi "Nhà nước đi trước Quốc gia", nói theo công thức sáng rõ của Bernard Guenée, thì hướng đèn phải chiếu vào ba thời điểm kết tinh mạnh mẽ: các thế kỷ XIV - XVI, thời kỳ Cách mạng và sự tổng hợp cộng hòa, cũng có nghĩa là từ bỏ tính độc lập của tập thứ nhất.

Về quốc gia - hiện tượng độc đáo ấy của thời hiện đại mà vì quen thuộc quá lâu nên chúng ta không thể xem xét nó với con mắt mới - cho đến nay có ba cách nói tới: pháp lý, lịch sử và tình cảm. Cả ba cách này đều làm nổi bật những đặc thù dân tộc, nhưng lại không thể tự giải thích về những đặc thù ấy. Cách thứ nhất nói chung là lẩn tránh, cách thứ hai thì từ bỏ chúng, còn cách thứ ba thì tự bằng lòng với việc ca ngợi chúng. Về lịch sử tình cảm dân tộc nói riêng, nhờ có vô số sách báo, chúng ta đã có những vật chuẩn cần thiết và một hiểu biết quá dồi dào; nhưng những sách báo vô tận ấy để lại một ấn tượng lạ lùng về một sự trùng lặp vô song: người ta giải thích quốc gia bằng giải thích một khía cạnh của thực tế quốc gia này từ một khía cạnh khác mà không bao giờ ra khỏi vòng luẩn quẩn và nắm được sự vật từ bên ngoài, trong sự mới mẻ và lạ lẫm của nó cả. Nền Cộng hòa phải dựa vào đường lối tưởng niệm trong giai đoạn mở đầu mới có được cá tính mạnh mẽ của nó. Trái lại, Quốc gia hiện ra về mặt lịch sử như một cái được cho là khó nắm như không khí chúng ta thở nhưng làm cho chúng ta sống được. Vào thời cổ đại của thực tế quốc gia, mà điểm xuất phát của nó không thể trực tiếp đoán định được và ký ức về nó đã bị mất đi "trong đêm tối thời gian", có lẽ chúng ta đã đồng thời nghĩ tới "quốc gia", một thực tế chính trị và "xã hội", một khái niệm trí tuệ. Người ta nắm được tổ chức bên trong của xã hội bằng một cái nhìn bên ngoài. Trong khi đó, Quốc gia vừa là bên trong đối với chính nó, vừa là bên ngoài: nó là cái tâm linh nhưng nằm trong cái thế tục, cái lịch sử nhưng nằm trong cái địa lý, cái hệ ý thức nhưng lại nằm trong cái trần tục, cái vô hạn nhưng lại nằm trong cái hữu hạn, cái phổ quát nhưng lại nằm trong cái riêng biệt, cái vĩnh hằng nhưng lại nằm trong cái có niên đại. Nó chỉ có thể được nắm bắt từ bên ngoài, trong tính tổng thể của hiện tượng, và từ bên trong, trong vô số những biểu hiện đơn nhất của nó.

Vì thế, trong khi chờ đợi sự phân tích về mặt triết học - sự phân tích này do được tiến hành từ bên ngoài thực tế quốc gia và nắm bắt phía sau bối cảnh của nó - giải thích cho chúng ta điều bí ẩn này một cách hoàn toàn sáng rõ, thì nhiệm vụ mà lịch sử dân tộc hiện nay đang giao cho các nhà sử học là đặt lên vị trí ưu tiên việc phân tích những đối tượng tiêu biểu nhất cho truyền thống của nó mà bao giờ chúng ta cũng thừa nhận như của chúng ta, nhưng chúng ta lại không thể sống như truyền thống được nữa. Chính sự trộn lẫn giữa sự gắn bó tình cảm và sự tách rời phê phán ấy đã hướng dẫn việc lựa chọn và đề cương của hai tập dành bàn về Quốc gia, cũng như đã gợi ý để đặt phần cuối cùng dưới ký hiệu số nhiều: các Nước Pháp.

Số nhiều này không phải để làm duyên. Nó không chỉ dành cho sự bùng nổ phi tập trung hóa, cho sự xung đột của những quan niệm có thể có, cho tính đa dạng của những thành tố; nó còn thể hiện sự bối rối về một bản sắc đã trở thành đáng ngờ.

Chính ở đó, việc chọn mẫu tỏ ra là cần thiết nhất nhưng cũng tế nhị nhất. Vì nguy cơ cố hữu của việc nghiên cứu những điểm ký ức là, nói chung, đưa lên hàng đầu cái ngoài lề và cái thiểu số thành những nơi ẩn tránh tự nhiên của những ký ức bị đe dọa. Chẳng hạn, nói tới những nước Pháp tôn giáo ư? Nếu bảo tàng Sa mạc được coi như điểm ký ức chính thống của đạo Tin Lành, của Công giáo, thì ngược lại, làm thế nào để chọn một điểm ký ức duy nhất được? Hoặc nếu phải chọn đạo Do Thái, thì điểm ký ức thật sự của nó phải chăng không thể là ở nơi nào khác ngoài chính ký ức ra? Người ta sẽ gặp khó khăn giống hệt như thế đối với những ký ức xã hội, đặc biệt là ký ức của giai tầng tư sản, mà những chuẩn mực và giá trị của họ vượt ra khỏi quê hương họ và từ hai thế kỷ nay, những chuẩn mực và giá trị ấy đã chiếm mất những biểu tượng bình dân và quý tộc. Để xóa bỏ điều bất tiện này, người ta đã dùng cách trình bày quá mức (sur-représenter), chừng nào có thể còn chỗ để làm điều đó, những điểm ký ức của đa số, nhưng hiểu rộng cũng không thể làm được gì nhiều hơn ngoài việc để có những cái nhìn đi sâu xuống và những cái nhìn nghiêng giao nhau.

Do không thể nắm bắt một cách tinh vi nhiều giới xã hội được, và bằng cách gộp chung lại những ký ức tư sản, nông dân, công nhân, người ta tưởng rằng trước hết phải tách sự tiếp cận thành hai: một mặt là những ký ức còn sót lại, như bãi công, chợ búa, quán rượu, được nắm bắt qua những "giao tiếp xã hội" truyền thống mà Maurice Agulhon đã đưa vào lĩnh vực lịch sử; mặt khác, là những ký ức được nắm lại, hoặc qua những định chế ký ức non trẻ như các bảo tàng Nghệ thuật và Truyền thống dân gian, hoặc, đối với các giai cấp trung lưu, qua những cuốn sách giải thích nguồn gốc, những tập ảnh gia đình hay chứng từ được công chứng, những điểm ký ức này mới đây đã được mở ra cho sự hiếu kỳ của các nhà sử học.

Vấn đề thật sự ở phần cuối cùng này không nằm ở việc mở chủ đề ra một cách không giới hạn, mà là ở sự hoàn thiện thêm chính khái niệm điểm ký ức mà phần này đòi hỏi. Sự cần thiết ấy chưa bao giờ cấp bách như khi đề cập chính trị. Trừ khi không thể nào mở rộng phạm vi những gia đình chính trị khác nhau - chẳng hạn, những gia đình bảo thủ, tự do, tiến bộ và cách mạng - người ta phải tìm kiếm những chỗ quan sát thích đáng. Ngày càng ít đi những điểm mà các mối ký ức ở đó là nơi tỏa ra những sợi dây trôi nổi vĩnh hằng của nhớ và quên; nói cách khác, ngày càng ít đi những cái khuôn ký ức chính trị đương đại của chúng ta, như cách mạng và những sự phóng chiếu của nó lên cái tưởng tượng, Jeanne d'Arc, mặt bên phải và mặt bên trái, ký ức như nơi chỗ của quyền lực chính trị từ khi Giải phóng, de Gaulle được coi như một cột tín hiệu - vật tổ của những ký ức của chúng ta, thế hệ như một khái niệm cần thiết và ảo giác, hay những biến hóa hiện nay của những điểm truyền thống của hành trang chính trị của chúng ta. Ở đây, điểm ký ức được hiểu ở bậc thứ yếu.

Lịch sử do sự nghiên cứu nhiều mặt về những điểm ký ức ấy tạo ra không giống với bất cứ một lịch sử nào khác: nó khiêm nhường nhưng lại đầy tham vọng, truyền thống nhưng lại rất mới. Đó hoàn toàn không phải là một lịch sử của nước Pháp, mà nằm giữa ký ức và lịch sử, đó là sự thăm dò có chọn lọc về di sản tập thể của chúng ta, được chứng minh một cách đúng nhất từ cảm xúc do một sự nhận biết đã có về những tượng trưng gần như bị xóa nhòa ấy đánh thức ở mỗi người chúng ta. Đó là một lịch sử của những biểu tượng, rất khác với lịch sử dân tộc theo lối thực chứng của thế kỷ trước, nhưng vẫn còn tìm thấy lại những trọng điểm chú ý, đồng thời cũng rất khác với lịch sử của những tâm thức (mentalités) mà nó thừa hưởng, nhưng nằm trong một sự thật thuần túy tượng trưng do vượt quá hay đứng bên cạnh nó.

Tính độc đáo của nó chính là vừa ở sự trở về, vừa ở sự đứt đoạn ấy. Tính độc đáo này làm cho sự trung thành tuyệt đối với nguyên tắc hiện thực và sự mong muốn hiểu biết một cách chắc chắn về "những gì đã thực sự đi qua", theo cách nói nổi tiếng của Ranke, trở thành cấp bách. Cái mới nhất đòi hỏi cái cũ nhất. Trong lịch sử chúng ta có lẽ thật ít có những thời đại nào bị cầm tù bởi ký ức của chúng, nhưng cũng thật ít có những thời đại nào mà sự gắn bó với quá khứ dân tộc và tính kế tục của nó lại được trải qua một cách mơ hồ như vậy. Cái biểu tượng, cái tượng trưng, và cái lý giải, chính bản thân chúng cũng có những sự kiện, niên đại và sự uyên bác của chúng. Những đối tượng được mở ra cho một sự nghiên cứu về ký ức, theo một nghĩa nào đó và đối với phần lớn người ta, vẫn là những đối tượng mà lịch sử cổ điển và lạc hậu nhất đã có thể nghiên cứu. Nhưng những đối tượng này, đúng là lịch sử ấy đã không tự đem lại cho nó. Không phải vì dửng dưng hay quên lãng, mà là vì, nói chung, chúng là mặt trái của lịch sử ấy, là góc chết khoa học luận của nó, là nền tảng tồn tại của nó, là điều kiện cho khả năng của nó.

Vì thế, người ta không thể tránh khỏi tính tầm thường bề ngoài của chúng. Chúng thật hiển nhiên, và vì hiển nhiên nên chúng không được biết tới rộng rãi. Chỉ nói tới tập thứ nhất, tại sao lại phải lấy lá cờ ba sắc để nói? Người ta không mấy ngạc nhiên, vì chỉ mới đây thôi, chẳng có ai nghĩ tới chuyện nghiên cứu nó cả. Lá cờ màu đó có lịch sử của nó, cũng như màu trắng hay màu đen. Nhưng cái màu của chúng ta lấy làm biểu tượng mà hằng ngày chúng ta thấy, nếu không phải là ngó thấy, thì trên thực tế chẳng có gì cả. Công trình duy nhất về lịch cách mạng đến với chúng ta, chưa được công bố, từ một người Mỹ. Còn bài hát La Marseillaise? Những nghiên cứu thông thạo duy nhất, tuy mới một phần nào, là của một người nghiên cứu âm nhạc thuộc đội Cận vệ Cộng hòa. Những người nghiên cứu trong điện Panthéon cũng chưa tìm thấy nhà sử học của họ. Thế còn việc phân loại các thị sảnh? Cũng chỉ mới có báo hiệu và phác thảo. Việc phân loại tượng đài những người chết mà xã hội cũng có, thì chưa có ai định lập ra. Thế còn ngày kỷ niệm Một trăm năm Cách mạng, kỷ niệm Một trăm năm Victor Hugo? Cũng phải đợi đến ngày kỷ niệm hai trăm năm mới thấy cấp thiết phải xem xét kỹ. Về tác giả cuốn Vòng quanh nước Pháp, ký tên là Bruno, chẳng có ai chọc thủng điều bí ẩn này và những lý do của nó. Trên bức tường nghĩa quân 1815, có những bài thơ và những ca khúc, nhưng cho đến nay vẫn chưa có lịch sử. Về mỗi bài viết hay gần như thế, người ta cũng có thể nói như vậy.

Có lẽ còn nhiều điểm quan trọng nữa chưa được điểm danh. Nhưng dù sự vắng mặt của chúng gây ra những hối tiếc như thế nào đi nữa - mà người chủ biên công trình này là người duy nhất chịu trách nhiệm - thì cũng phải thừa nhận ích lợi của những điểm được nêu ra ở đây. Đó là ưu điểm tối thiểu của nó. Vì những tiểu luận này mặc dù độc lập với ý đồ chung của chúng, sẽ được đọc vì chính bản thân chúng, và trước khi đòi hỏi chúng những sự giải thích, người ta có thể cảm thấy thích thú và có ích khi khám phá chúng. Cỗ máy chuyên khảo nặng nề này đặt ra những vấn đề thật phức tạp: những ranh giới chính xác của các điểm ký ức, lý thuyết về những tưởng niệm, những liên hệ giữa ký ức lịch sử và ký ức tập thể, những quan hệ của các hệ tư tưởng và chính trị, của ký ức và quyền lực, của Cộng hòa và Dân tộc. Ta hãy để chúng lại ở đó. Việc lựa chọn các chủ đề, ngay cả khi được cân nhắc khá kỹ theo sự phân loại cần thiết, theo tình trạng khoa học của vấn đề, theo những khả năng hiện có để xử lý, cũng mang theo sự tùy tiện phần nào. Hãy chấp nhận như vậy. Sự hài lòng về những điều tưởng tượng được chúng ta ưa thích hơn hết chắc chắn mang theo nguy cơ thụt lùi về trí tuệ và quay trở về với thuyết lấy xứ Galle làm trung tâm mà khoa lịch sử hiện nay đã cố gắng vượt qua một cách thành công. Cần phải biết tới nguy cơ ấy, cần phải đề phòng nó, nhưng bây giờ thì hãy quên nó đi. Với số tiểu luận nhỏ bé này, và những tiểu luận khác được kèm theo ngay sau đó, chúng tôi mong chúng được đọc một cách hồn nhiên vì sự tươi mát và vui đùa của chúng.

PIERRE NORA 1984
VŨ CẬN dịch

MỤC LỤC

Lời giới thiệu 

Lời nói đầu     

PIERRE NORA

            Giữa ký ức và lịch sử 

NƯỚC CỘNG HÒA

BIỂU TƯỢNG

RAOUL GIRARDET

            Lá cờ ba sắc   

MICHEL VOIELLE

            Bài ca La Marseillaise

ĐỀN ĐÀI

MONA OZOUF

            Điện Panthéon           

ANTOINE PROST

            Đài liệt sỹ       

TƯỞNG NIỆM

CHRISTIAN AMALVI

            Ngày 14 tháng 7        

CHARLES-ROBERT AGERON

            Triển lãm thuộc địa năm 1931

QUỐC GIA

Giới thiệu       

PHI VẬT THỂ

DI SẢN

GEORGES DUBY

            Họ tộc

COLETTE BEAUNE

            Mộ phần hoàng gia    

VẬT THỂ

LÃNH THỔ

BERNARD GUENÉE

            Từ ranh giới phong kiến đến biên giới chính trị         

DANIEL NORMAND

            Từ ranh giới Nhà nước tới biên giới dân tộc 

NHÀ NƯỚC

ANNE-MAIRE LECOQ

            Biểu tượng của Nhà nước     

JEAN CARBONNIER

            Bộ luật dân sự

DI SẢN

ANDRÉ CHASTEL

            Khái niệm về di sản   

EDOUARD POMMIER

            Sự ra đời những bảo tàng cấp tỉnh     

LÝ TƯỞNG

VINH QUANG

PHILIPPE CONTAMINE

            Hy sinh vì Tổ quốc     

GÉRARD DE PUYMÈGE

            Người lính Chauvin   

JEAN-CLAUDE BONNET

            Những người quá cố nổi tiếng           

DANIEL MILO

            Tên phố          

PIERRE NORA

Quốc gia – Ký ức       

Nhận xét sản phẩm
Chưa có nhận xét gì về sản phẩm
Hãy đăng nhập để viết nhận xét cho sản phẩm