Tên sách: Ngân hàng Thế giới – Đi tìm mô hình phát triển và trường hợp Việt Nam
Tác giả: Jean-Pierre Cling, Mireille Razafindrakoto, François Roubaud
Dịch giả: Nguyễn Đôn Phước
Số trang: 296
Khổ sách: 13 x 19 cm
Loại bìa: Mềm, tay gấp
Tủ sách: Tri thức Phổ thông
Ngân hàng Thế giới được thành lập năm 1944 nhằm cung cấp vốn vay phục vụ công cuộc tái thiết ở châu Âu và giúp đỡ các nước đang phát triển, lúc bấy giờ chưa mấy đông đảo.
Từ đó đến nay cơ cấu của Ngân hàng đã thay đổi rất nhiều. Từ một Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Quốc tế (IBRD) chuyên cho khu vực nhà nước vay, đã dần dần mở rộng thêm Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA), và ba định chế khác: Công ty Tài chính Quốc tế (IFC), phụ trách mảng cấp vốn cho khu vực kinh tế tư nhân, Tổ chức Bảo lãnh Đầu tư Đa phương (MIGA) và Trung tâm Giải quyết các Tranh chấp Đầu tư Quốc tế (ICSID). Nhóm Ngân hàng Thế giới bao gồm năm định chế trên, dưới đây, trong ấn phẩm này chúng tôi sẽ gọi chung là "Ngân hàng”.
Bên cạnh sự phát triển về quy mô, Ngân hàng đã không ngừng mở rộng vai trò và nhiệm vụ của mình: hỗ trợ tái thiết nhanh chóng trở thành một hoạt động ngoài lề, và giờ đây Ngân hàng chỉ tập trung hướng vào một số quốc gia vừa thoát khỏi xung đột (như Afghanistan, Irak, v.v...); trong chiều ngược lại, hỗ trợ phát triển trở nên chiếm ưu thế đến mức ngày nay, ảnh hưởng của Ngân hàng trong việc hoạch định và thực hiện chính sách phát triển đã vượt xa số tiền khá khiêm tốn mà nó đóng góp trong luồng vốn quốc tế dành cho hỗ trợ phát triển. Có được ảnh hưởng này là do Ngân hàng Thế giới đồng thời can thiệp vào nhiều lĩnh vực và vì ba nhiệm vụ của tổ chức này, phần nào đó mâu thuẫn với nhau, cùng tồn tại trong định chế này.
- Trước hết, Ngân hàng, như chính tên gọi của nó cho thấy, là một định chế tài chính. Nếu là ngân hàng thông thường, hoạt động chính của nó là vay ở các thị trường tài chính và cho các chính phủ, các doanh nghiệp của các nước đang phát triển vay. Vả lại, hầu hết các Chủ tịch Ngân hàng Thế giới đều xuất thân từ giới ngân hàng. Trong khuôn khổ của các hoạt động hướng đến khu vực kinh tế tư nhân lẫn khu vực nhà nước, Ngân hàng phải tìm kiếm lợi nhuận và quan tâm đến khả năng sinh lời của các dự án mà nó tài trợ.
- Đây cũng là một ngân hàng phát triển, nó hỗ trợ các quốc gia về mặt tài chính để phục vụ các chính sách phát triển của các nước này. Như vậy, thông qua hoạt động cho vay, Ngân hàng Thế giới cũng phải góp phần hỗ trợ sự phát triển của các quốc gia, và các khoản vay của ngân hàng, khác với những ngân hàng bình thường, không chỉ nhắm đến mục tiêu duy nhất là hiệu suất tài chính; điều này càng hiển nhiên hơn nữa trong trường hợp các khoản vay ưu đãi hoặc viện trợ không hoàn lại của IDA, chủ yếu đến từ các nguồn viện trợ của các nước giàu.
- Cuối cùng, với tư cách là Ngân hàng tri thức, Ngân hàng Thế giới cung cấp các kiến thức phục vụ cho hai chức năng nói trên và cho cộng đồng phát triển nói chung. Hoạt động thứ ba này của Ngân hàng Thế giới ngày càng có tầm quan trọng, đến mức ngày nay Ngân hàng Thế giới thực sự nắm giữ vai trò lãnh đạo trong kinh tế học phát triển. Ngân hàng Thế giới tự xem mình có vai trò chủ yếu để đóng góp vào việc “hỗ trợ kỹ thuật” cho các nước đang phát triển nhờ vào những kinh nghiệm tích lũy được về các chính sách kinh tế và bằng các kết quả nghiên cứu của mình.
Tầm quan trọng của Ngân hàng Thế giới trong các vấn đề phát triển khiến bất kỳ ai quan tâm đến các vấn đề này cần biết đến các yếu tố cơ bản của Ngân hàng Thế giới như: lịch sử, cấu trúc, nhiệm vụ, cách thức hoạt động, cũng như vị trí của Ngân hàng Thế giới trong cộng đồng phát triển. Bạn đọc Việt Nam những người mà quyển sách này hướng tới cũng muốn được thông tin về vai trò của Ngân hàng ở Việt Nam, cũng như ảnh hưởng của nó lên sự phát triển của đất nước. Mục đích quyển sách này nhằm đáp ứng nhu cầu trên về thông tin và phân tích.
Chương I giới thiệu sự ra đời, cơ cấu tổ chức của Ngân hàng và các số liệu cơ bản tóm tắt sơ lược về hoạt động của Ngân hàng Thế giới. Chương II tóm lược các chính sách của Ngân hàng Thế giới theo từng thời kỳ đến cuối thế kỷ 20, ban đầu là tập trung vào việc thực hiện các dự án và sau đó mở rộng thêm đến các chính sách điều chỉnh cơ cấu. Chương III dành viết về các chiến lược chống đói nghèo do Ngân hàng Thế giới khởi xướng (và được cả cộng đồng quốc tế hưởng ứng) từ năm 1999. Chương IV nêu lên hoạt động nghiên cứu của tổ chức, hoạt động này có ảnh hưởng quan trọng đến lĩnh vực kinh tế và chính sách phát triển trên bình diện quốc tế. Chương V quan tâm đến hoạt động của Ngân hàng tại Việt Nam, một quốc gia được Ngân hàng xem là “học trò mẫu mực” về các chính sách của mình. Sau rốt, chương cuối cùng là chương VI đề cập đến các vấn đề chính đang được thảo luận về tương lai của Ngân hàng Thế giới.
Quyển sách này là biến thể của quyển Ngân hàng Thế giới, do La Découverte xuất bản ở Paris năm 2008. Bản tiếng Pháp được bổ sung thêm một chương về các hoạt động của Ngân hàng Thế giới ở Việt Nam. Chương cuối và kết luận đã được cập nhật để tính đến cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu xảy ra năm 2008, mà tác động của nó lên sự vận hành và hoạt động của Ngân hàng Thế giới còn rất bất định vào lúc tác phẩm được công bố.
(Trích sách Ngân hàng Thế giới: Đi tìm mô hình phát triển và trường hợp Việt Nam).
MỤC LỤC
Lời cảm ơn
Dẫn nhập
Lược sử
I. NGÂN HÀNG THẾ GIỚI VÀ CÁC TỔ CHỨC THÀNH VIÊN
Hội nghị Bretton Woods và sự ra đời Ngân hàng Thế giới
Khuôn khổ thể chế và bộ máy tổ chức
Quỹ Tiền tệ Quốc tế
Ngân hàng Thế giới, định chế cho các nhà nước vay
Hỗ trợ khu vực tư nhân
II. TỪ DỰ ÁN ĐẾN ĐIỀU CHỈNH CƠ CẤU
Ngân hàng của các dự án
Ngân hàng Thế giới ngày càng đa dạng hóa các lĩnh vực hoạt động
Việc chuyển hướng sang điều chỉnh cơ cấu
Sự thất bại của kế hoạch điều chỉnh cơ cấu
Kết luận
III. ĐẤU TRANH CHỐNG ĐÓI NGHÈO
Nghèo đói lan rộng trong nhiều nước đang phát triển
Nội dung các chính sách mới
Các quan hệ mới giữa các tác nhân của sự phát triển
Một thiết chế theo dõi-đánh giá
Bản tổng kết đầu tiên về cuộc chiến chống đói nghèo và những thành tựu của MDG
IV. NGÂN HÀNG “TRI THỨC”
Trung tâm nghiên cứu phát triển lớn nhất thế giới
Vai trò quan trọng trong việc sản xuất số liệu thống kê
Điều hành, thể chế và cấp viện trợ
Kết luận
V. NGÂN HÀNG THẾ GIỚI Ở VIỆT NAM: MỘT TRƯỜNG HỢP ĐẶC THÙ
Các khoản tài trợ của Ngân hàng tăng nhanh
Ngân hàng Thế giới và công cuộc xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam
Những định hướng của Ngân hàng ở Việt Nam giữ khoảng cách với học thuyết tự do chính thống
Ngân hàng tri thức
Quan hệ của Ngân hàng với Nhà nước và các nhà tài trợ khác
Kết luận
VI. NHỮNG THÁCH THỨC VÀ TRIỂN VỌNG TƯƠNG LAI
Cân đối lại việc tài trợ theo vùng địa lý
Điều chỉnh lại trọng tâm chủ đề
Làm thế nào để cải thiện chất lượng điều hành của Ngân hàng?
Liệu có cần phải sáng tạo lại Ngân hàng Thế giới?
KẾT LUẬN
CÁC CỤM TỪ VIẾT TẮT
THƯ MỤC