I. THÔNG SỐ SÁCH
Tên sách: Có một nước Mỹ khác: Sự nghèo khó của Hoa Kỳ
Tác giả: Michael Harrington
Dịch giả: Đỗ Hoài Nam
Bìa mềm: 352 trang
Khổ sách: 14,5x20,5 cm
Tủ sách Tri thức mới
HẾT SÁCH
II. GIỚI THIỆU SÁCH
LỜI GIỚI THIỆU CHO CUỐN
CÓ MỘT NƯỚC MĨ KHÁC
MICHAEL E. HARRINGTON VÀ CUỘC CHIẾN CHỐNG ĐÓI NGHÈO
Hồ Sĩ Quý[1]
1. Bão Katrina và điều cảnh báo của Michael E. Harrington
Ngày 29.8.2005, bão Katrina với sức gió 280km/h và áp suất khí quyển 902mbar[2]đã đổ bộ vào New Orleans, miền Đông Nam nước Mĩ. Cơn bão gây tai hoạ làm hơn 1.300 người thiệt mạng, hơn một triệu người mất nhà cửa và thiệt hại vật chất ước tính hơn 70 tỉ USD. Trong lịch sử nước Mĩ, đây là một trong những trận thiên tai có mức độ tàn phá ghê gớm nhất. Kể từ sau trận động đất tại San Francisco năm 1906 đến nay, nước Mĩ chưa gặp thiên tai nào khủng khiếp đến thế[3].
Nhưng đối với người Mĩ và cộng đồng thế giới, bản thân cơn bão chưa phải là điều tệ nhất. Điều tồi tệ hơn lại nằm ở các vấn đề xã hội khó chấp nhận bộc lộ qua cơn bão. Sự ứng phó của Chính phủ chậm chạp và kém hiệu quả. Hệ thống hạ tầng đảm bảo an sinh xã hội yếu kém. Bộ máy quan chức, hệ thống dịch vụ công quan liêu và không chú ý thoả đáng đến đời sống dân chúng. Dân chúng vùng New Orleans hoá ra nghèo đói, chịu nạn phân biệt đối xử, không được bảo vệ trước rủi ro và chịu nhiều vấn nạn xã hội hơn rất nhiều so với những gì mà giới quan chức vẫn nói về nước Mĩ.
Cơn bão đã làm cho bản thân người Mĩ và dân chúng tất cả các nước khác nhìn nước Mĩ rõ hơn. Nếu như gần đây nói đến nước Mĩ, người ta thường hình dung và tin rằng chỉ có một nước Mĩ - nước Mĩ giàu về kinh tế, năng động về xã hội, tiên tiến về khoa học - công nghệ, độc đoán về chính trị, mạnh về quân sự, về đại thể là một nước Mĩ bá quyền toàn cầu, thì nay, người ta khó mà có thể phủ nhận được có hai nước Mĩ, một nước Mĩ giàu và một nước Mĩ nghèo, thậm chí rất nghèo; nói chính xác hơn, một nước Mĩ của người giàu và một nước Mĩ của người nghèo.
Điều thú vị là sự cảm nhận về hai nước Mĩ không phải là chuyện gì mới lạ, mà ngay từ nửa thế kỉ trước, đã có một người đề cập đến sự nhức nhối của vấn đề một cách bài bản và có lí lẽ. Nhưng sau đó, vì những mục đích vụ lợi, bộ máy tuyên truyền của nước Mĩ với sự thổi phồng những thành tựu có thật đã làm cho hình ảnh nước Mĩ trở nên phiến diện trong con mắt của không ít người.
Đó là vào năm 1962, Nhà xuất bản Baltimore-Maryland cho ra mắt cuốn sách Có một nước Mĩ khác (The Other America). Cuốn sách có phụ đề Sự nghèo khó ở Hoa Kì (Poverty in the United State) và ghi rõ tôn chỉ của mình ở trang bìa “Cuốn sách này phát động cuộc chiến chống lại nghèo khó”. Tác giả cuốn sách này là Michael Harrington. Ngay sau khi xuất bản, cuốn sách đã gây tiếng vang trong các chính giới ở Mĩ và nhiều nước khác. Từ đó đến nay, cuốn sách được tái bản nhiều lần và vẫn gây ảnh hưởng đáng kể đến các nhà hoạt động xã hội.
Nửa thế kỉ đã trôi qua kể từ khi cuốn sách của Harrington xuất bản lần đầu, xã hội loài người đã có nhiều biến đổi, nền kinh tế thế giới đã tăng sản lượng tuyệt đối lên gấp nhiều lần, nhưng người nghèo vẫn chìm trong văn hoá của người nghèo - tình trạng nghèo khó vẫn không khác trước bao nhiêu, trong khi thế giới người nghèo ngày càng đông đảo hơn, xa cách hơn với thế giới của người giàu và mức độ nghèo khổ tương đối ngày càng trở nên quẫn bách.
Cơn bão Katrina 2005 một lần nữa đánh thức tính nghiêm túc của điều cảnh báo đặt ra trong cuốn sách: nếu có tiến bộ công nghệ mà không có tiến bộ xã hội, thì hầu như tự khắc sự cùng quẫn của con người sẽ tăng lên, sự bần cùng hóa cũng tăng lên (Michael Harrington, phần Phụ lục cuốn sách).
2. Về tác giả cuốn sách Michael Edward Harrington
Michael E. Harrington là nhà văn, nhà khoa học, nhà hoạt động chính trị - xã hội nhiệt thành và nổi tiếng của Mĩ. Với 16 cuốn sách chuyên khảo thuộc nhiều thể loại trực tiếp hoặc gián tiếp bàn về các vấn đề xã hội, Harrington được coi là nhà xã hội học xuất chúng của nước Mĩ từ những năm 1960 thế kỉ XX cho đến khi ông qua đời năm 1989[4].
Harrington sinh năm 1928 trong một gia đình Kitô giáo thuộc tầng lớp trung lưu ở St. Louis, bang Missouri. Khi còn trẻ, ông rất thích các hoạt động chính trị cánh tả và hoạt động công giáo, đặc biệt say mê tranh luận về văn hoá và chính trị. Theo học và lớn lên ở trường dòng, ngôi trường đã đào tạo ông thành một người dịch và chú giải sách Phúc âm rất giỏi. Trước khi tham gia hoạt động chính trị - xã hội, Harrington đã từng là sinh viên luật ở Yale, thạc sĩ văn học Anh ở Đại học Chicago, làm công tác xã hội ở St. Louis. Ông bước vào con đường hoạt động chính trị bằng việc tham gia vào Phong trào Công nhân Công giáo của New York, đây là một tổ chức vì mục đích hoà bình; ở đây, ông là biên tập viên tờ Công nhân Công giáo từ năm 1951 đến năm 1953. Hai năm sau ông rời nhà thờ Kitô giáo và Phong trào Công nhân Công giáo trong sự nuối tiếc của những người sùng đạo. Mặc dù vẫn quan tâm đến các tổ chức cấp tiến, nhưng ông lại trở thành một người theo thuyết vô thần; ông rời khỏi đó để tham gia chủ nghĩa Marx và bị lôi cuốn vào phong trào chủ nghĩa xã hội trần tục. Năm 1954, ông trở thành thành viên của Liên minh Xã hội Độc lập, một tổ chức nhỏ theo tư tưởng Trotsky do Max Shachtman đứng đầu. Harrington và Shachtman rất tin tưởng vào chủ nghĩa xã hội, một chế độ mà hai ông coi là tiêu biểu cho xã hội dân chủ tự do; cả hai đã kịch liệt phê phán những chính thể theo chủ nghĩa quan liêu ở Tây Âu và một số nơi khác. Suốt một thập kỉ, Harrington là người ủng hộ cho quyền công dân và tổ chức công đoàn như một người theo chủ nghĩa tự do và theo phe cánh tả. Ông là thành viên của Liên minh Công nghiệp Dân chủ (liên kết với Đảng Xã hội chủ nghĩa - Socialist Party). Năm 1965, ông trở thành cố vấn cho nhà tư tưởng Martin Jr. Luther King.
Năm 1972, Harrington nhận chức chủ tịch Đảng Xã hội chủ nghĩa. Một năm sau đó, ông đã đặt nền móng xây dựng Uỷ ban Dân chủ Xã hội chủ nghĩa (DSOC - Democratic Socialist Organizing Committee), ông hết lòng với liên minh cấp tiến này. Năm 1981, DSOC hợp nhất với tổ chức Hoa Kì mới (New America) thành Đảng Dân chủ Xã hội chủ nghĩa Hoa Kì (Democratic Socialists of America).
Từ năm 1962, Harrington trở nên đặc biệt nổi tiếng với cuốn sách Có một nước Mĩ khác. Cuốn sách xuất hiện trong khi các chính trị gia đang ít nhiều say sưa với những thành quả kinh tế Mĩ thời kì hậu chiến. Cuốn sách cảnh báo có nhiều triệu người Mĩ đến thời điểm đó đang sống trong cảnh nghèo đói và sẽ rất khó thoát ra khỏi “văn hoá của sự đói nghèo” này. Harrington nhấn mạnh, trên thực tế có hai nước Mĩ tồn tại, một nước Mĩ của người giàu và một nước Mĩ của người nghèo. Theo ông, vấn đề là ở chỗ nước Mĩ đã không tìm cách giải quyết đói nghèo trong khi nó hoàn toàn có đủ khả năng làm việc đó. Ngay từ rất sớm, quyền lực ở Mĩ hầu như bao giờ cũng thuộc về nước Mĩ của người giàu, vì vậy làm cho chênh lệch giàu nghèo ngày càng tăng; người đã giàu lại càng giàu. Ngày nay, người ta gọi một nền kinh tế tăng trưởng phân cực theo kiểu này là “tăng trưởng thô bạo” (ruthles growth)[5]. Trong nền kinh tế tăng trưởng phân cực, thế giới của người nghèo ngày càng mở rộng và càng nghèo. Và đó là nguyên nhân của những vấn nạn xã hội nghiêm trọng. Cuốn sách của Harrington đã gây ảnh hưởng đáng kể đến giới chính trị và Chính phủ Mĩ. Tổng thống J. Kennedy khi đó đã căn cứ vào tư tưởng của Harrington để đưa ra một kế hoạch chống lại đói nghèo. Chính bản thân Harrington cũng trở thành một thành viên tích cực của công cuộc chống đói nghèo và là nhà phát ngôn cho những chương trình và chính sách tự do. Sau J. Kennedy, tổng thống L. Johnson cũng hoạch định một kế hoạch xã hội lớn nhằm thu hẹp khoảng cách giàu nghèo ở Mĩ. Chương trình này của Nhà Trắng đã đạt được những kết quả nhất định, tình trạng nghèo đã được cải thiện đáng kể mặc dù chênh lệch giàu nghèo vẫn chưa thu hẹp bao nhiêu.
Nhưng tình hình trở nên xấu đi khi R. Reagan lên làm tổng thống trong thập niên 1980. Vị tổng thống này có tư tưởng ủng hộ chủ nghĩa bảo thủ và thiên lệch có lợi cho người giàu bằng các chính sách chú trọng sử dụng công cụ thị trường để thay thế sự điều hành trực tiếp của nhà nước. Trên thực tế, nhà nước cũng không hề mất đi vai trò của nó mà ngược lại, đã “trở nên hiệu quả hơn” khi biến thành công cụ của những người giàu điều khiển toàn bộ nền kinh tế xã hội. Tình hình ngày càng xấu hơn bắt đầu từ thời kì Bush (cha) lên nắm quyền. Qua Clinton đến Bush (con), chủ nghĩa bảo thủ đã lên tới cực điểm. Một làn sóng tư nhân hoá và thị trường hoá lan rộng khắp thế giới. Kinh tế xuyên quốc gia phát triển, toàn cầu hoá vốn xuất hiện từ trước đã đột ngột trở nên mạnh lên và lan ra hầu khắp các nước khác làm cho mô hình kinh tế Mĩ trở thành phổ biến. Hố ngăn cách giàu nghèo ở Mĩ ngày càng lớn. Các nước khác trong xu thế toàn cầu hoá cũng không tránh khỏi sự cuốn theo của các chương trình sử dụng công cụ thị trường xuyên quốc gia. Tình trạng biến xã hội thành một nước của người giàu và một nước của người nghèo như Mĩ đang xuất hiện ở rất nhiều nước. Ngày nay, thực trạng đói nghèo trên phạm vi thế giới đang chứa đựng những mâu thuẫn cực kì sâu sắc: theo UNDP, tính đến năm 1999, vẫn còn hơn 80 nước thành viên Liên hợp quốc có thu nhập quốc dân đầu người thấp hơn mức mà họ đã đạt được trước đó khoảng 10 năm. Ở Trung Quốc, số người nghèo khổ ở vùng duyên hải là 20% nhưng ở vùng sâu nội địa lại lên đến hơn 50%. Chỉ 20% dân số của các nước có thu nhập cao đã chi phối 86% GDP, 82% thị trường xuất khẩu, 68% đầu tư nước ngoài và 74% số máy điện thoại của toàn thế giới; tài sản của ba tỉ phú hàng đầu thế giới lớn hơn toàn bộ GDP của tất cả các nước kém phát triển với 600 triệu dân của họ[6].
Trở lại với Harrington, mấy chục năm qua, người ta vẫn thấy trên diễn đàn lí luận chính trị - xã hội lúc nào cũng có những người không thích tư tưởng chính trị của ông; thậm chí còn có những hồ nghi quan điểm của Harrington chỉ là ảo tưởng (những người theo chủ nghĩa duy kinh tế cực đoan cho rằng thế giới buộc phải đi lên bằng cách phân cực giàu nghèo). Mặc dù vậy, từ tất cả các phía trong và ngoài nước Mĩ, Harrington bao giờ cũng là người được ngưỡng mộ và kính trọng, Thế giới kính trọng Harrington trong sự kiên định bảo vệ tư tưởng của chủ nghĩa xã hội (chủ nghĩa xã hội trong cách nhìn của Harrington là chủ nghĩa xã hội nghiêng về dân chủ chính trị và tự do của công dân). Những nỗ lực không mệt mỏi của ông trong cuộc chiến chống đói nghèo, những cống hiến phi thường của ông cho những nguyên tắc của chủ nghĩa nhân đạo trong suốt thập niên 1970 và 1980, những nghiên cứu sâu sắc và thông minh của ông trong nhiều lĩnh vực xã hội - tất cả trong một con người - đã đưa ông trở thành “biểu tượng đáng khâm phục của khoa học chính trị cấp tiến”, theo cách nói về ông ở Mĩ.
Năm 1989, Michael Edward Harrington qua đời vì căn bệnh ung thư.
3. Harrington với cuộc chiến chống đói nghèo hôm nay
Cuốn sách của Harrington xuất bản đã lâu, vì vậy cần có mấy lời lí giải tại sao hôm nay lại nên công bố rộng rãi tác phẩm này.
Dĩ nhiên, nhiều số liệu của cuốn sách ngày nay đã cũ. Nhưng với “những con số của sự lăng nhục”, theo cách nói của Harrington, người đọc sẽ thấy hai nước Mĩ trong quá khứ hiện ra một cách sống động như thế nào. Giống như người ta xem lại những tấm ảnh xưa, khi đọc những mô tả của Harrington và hiểu tâm trạng của tác giả cùng dân chúng thời đó, người đọc sẽ cảm nhận được nhiều điều. Nếu so sánh với các thời kì sau này, hoặc so sánh nước Mĩ thời đó với các nước khác hiện thời, cái hơn cái kém sẽ một lần nữa thúc bách tư duy người đọc, làm cho bất cứ ai nếu nghiêm túc đọc cuốn sách sẽ khó có thể không day dứt.
Chẳng hạn, đây là một mô tả của Harrington: “Đi dạo quanh Harlem, bạn sẽ nhìn thấy quảng cáo một số món: lòng lợn, chân giò lợn muối, dạ dày lợn, móng lợn, đuôi lợn, tai lợn; và cá ở khắp nơi. Những món này - một số có thể khá đắt - là món ăn của những người nghèo ở miền Nam, được mang đến miền Bắc trong những đợt di dân. Nhưng đây là những thứ người da trắng không thích... Và đó là nguyên nhân làm cho chính các món ăn lại trở thành vấn đề với những người da đen có giáo dục... Bề ngoài, những món ăn này có vẻ kì cục, hay hay là lạ, thậm chí tên món ăn có thể hấp dẫn một số người da trắng. Nhưng những món ăn này, giống như rất nhiều điều giản đơn ở Harlem, đều có vị nghèo khó trong đó” (Chương 4, người trích nhấn mạnh thêm). Hiện tượng được Harrington mô tả là điều mà nhiều người đã biết. Ngày nay, hiện tượng này vẫn còn ở nước Mĩ. Nhưng quả thực, vấn đề đã trở nên “chua chát” hơn khi “vị nghèo khó” trong các món ăn mà người da trắng không thích lại trở thành tiêu chuẩn để đánh giá trình độ “có giáo dục” ở người da đen.
Số liệu cũ, dữ liệu cũ và hiện tượng cũng đã cũ. Nhưng tính chính xác và tính chọn lọc của chúng lại được đặt trong bối cảnh mới với những nhận thức mới. Đó là lí do thứ nhất khiến cuốn sách vẫn được tái bản và được đón nhận ở nhiều nước trên thế giới.
Với Harrington, số liệu không phải chỉ là số liệu. “Xin bạn đọc hãy quên đi trò chơi con số”, Harrington nói như vậy ở cuối cuốn sách. Con số và những dữ liệu thực tế dẫu sao cũng mới chỉ là “thông tin cấp một”. Cái ẩn sau những con số và những dữ liệu mới đáng quan tâm hơn. Và ở điểm này, Harrington không hề cũ, thậm chí tính gay gắt, triệt để và sâu sắc của cuốn sách ngày nay vẫn là mẫu mực cho mọi nghiên cứu xã hội. Vấn đề Harrington đặt ra đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự của nó, nếu không muốn nói là cấp thiết hơn, do khoảng cách giàu nghèo trên thế giới ngày nay đã nhiều lần gay gắt hơn thời Harrington. Vào thời Harrington viết Có một nước Mĩ khác, nếu chênh lệch giàu nghèo giữa 20% dân số giàu nhất với 20% dân số nghèo nhất chỉ là 30 lần, thì đến năm 1990 khoảng cách này là 60 lần và đến năm 1997 là 74 lần[7]. Mặc dù vậy, ngay lúc đó, vấn đề Harrington đặt ra đã rất quyết liệt. Chẳng hạn, ông viết: ”Phúc lành này là một sự pha trộn. Nó được xây dựng dựa trên nền kinh tế bị bóp méo một cách đặc biệt, một nền kinh tế thường làm nảy sinh những nhu cầu giả tạo hơn là thỏa mãn những nhu cầu của con người. Vì vậy, nó dẫn đến tình trạng trống rỗng về tinh thần, dẫn đến sự tha hóa.... Nước Mĩ mang trong nó một quốc gia kém phát triển, một nền văn hóa nghèo khó. Tuy những cư dân của nó không phải chịu đựng sự thiếu thốn cùng cực như những nông dân châu Á hay những bộ lạc châu Phi, nhưng cơ cấu của sự khổ cực giữa họ là giống nhau. Họ ở bên ngoài lịch sử, bên ngoài sự tiến bộ, bị chìm vào một lộ trình tê liệt và tàn tật” (Chương 9, người trích nhấn mạnh thêm).
Vấn đề đặt ra gay gắt, nhưng không chỉ có thế, khi phân tích và lí giải các hiện tượng, Harrington đã không né tránh mà trực diện đi thẳng vào bản chất của vấn đề - nguyên nhân tình trạng nghèo khó, theo ông, nằm ở tính xã hội của nó, điều mà không phải nghiên cứu nào về đói nghèo cũng có thể đạt tới. Đây là lí do khiến cuốn sách được coi là mẫu mực cho những nghiên cứu xã hội học và bản thân tác giả trở thành một nhà xã hội học điển hình.
Về thái độ của nước Mĩ, Harrington viết: “Nước Mĩ dường như bị rơi vào một nghịch lí. Sự nghèo khó của nó không quá đến mức chết người, bởi có rất nhiều người đang hưởng thụ một mức sống khá, nên dường như có sự lãnh đạm và mù mờ đối với cảnh nghèo. Thậm chí vẫn có những người phủ nhận sự tồn tại của văn hóa nghèo khó... Lương tâm của những người sống trong sung túc là vật hiến tế của sự giàu có; còn cuộc sống của người nghèo lại là vật hiến tế của sự cùng khổ về tinh thần và thể chất... Khi ấy vấn đề, ở tầm vĩ mô, là cách nhìn nhận. Một quốc gia thịnh vượng phải nhìn thấu được qua bức tường của sự giàu có để thấy được ở mặt trái của nó còn có những công dân khác biệt... Nghịch lí chủ yếu của nhà nước phúc lợi là ở chỗ nó được xây dựng không phải cho những người khốn khổ cần đến nó mà cho những người hoàn toàn có khả năng tự lo liệu cho chính bản thân họ. Chừng nào ảo tưởng còn tồn tại và người nghèo vẫn còn tự do trôi nổi vui vẻ với trợ cấp thất nghiệp, thì chừng đó cái nước Mĩ khác này vẫn tiếp tục không hề hấn gì. Người ta phải hiểu rằng, sự thực là điều trái ngược hoàn toàn. Người nghèo bị nhà nước phúc lợi bỏ quên hơn bất cứ một nhóm dân nào ở Mĩ” (Chương 9, người trích nhấn mạnh thêm).
Về định hướng loại trừ nghèo khó, Harrington viết: “Một ai đó có thể giải thích hiện tượng nghèo khó theo ngôn ngữ đạo đức, quy kết đói nghèo là do lỗi của người nghèo. Những người Mĩ khác là những người có mức sống dưới sự lựa chọn đạo đức, tức là những người bị chìm sâu trong nghèo khó lại không thể nói gì về sự lựa chọn tự do của họ. Vấn đề ở đây là không nên chuẩn bị cho họ những khu nhà giam của nhà nước. Đúng hơn, xã hội phải giúp họ trước khi họ có thể tự giúp mình... Điều cần thiết là nếu muốn nghèo khó bị thủ tiêu thì phải có một cuộc đấu tranh chính trị, một sự tái cấu trúc hệ thống các đảng phái để có thể có một lựa chọn rõ ràng, một tâm thức mới về lí tưởng xã hội” (Chương 9).
Dễ dàng nhận ra cách tiếp cận của Harrington có nhiều điểm hợp lí và triệt để. Những đoạn tương tự như vừa trích có thể bắt gặp rất nhiều trong cuốn sách của ông. Như nhiều người đánh giá, ngoài tính xác thực của dữ kiện, số liệu và hiện tượng, ngoài tính gay gắt của một vấn đề xã hội to lớn đã được đặt ra, cũng như ngoài việc chỉ ra nguyên nhân đích thực cần phải giải quyết tận bản chất của vấn đề, cuốn sách của Harrington còn thu hút ở lập luận và văn phong hấp dẫn, sắc bén của một nhà văn thông minh và tài ba. Tất cả tài liệu tham khảo dẫn ra trong bài này, kể cả tài liệu của Nga, đều viết với tinh thần ngưỡng mộ và ca ngợi cuốn sách của ông. Thậm chí, với cuốn sách này, có tác giả còn gọi ông là “người xã hội chủ nghĩa cuối cùng”[8].
Xin trân trọng giới thiệu Michael Harrington và tác phẩm nổi tiếng của ông với bạn đọc.
Hà Nội, tháng 12 năm 2005
*****
MỤC LỤC
LỜI GIỚI THIỆU CỦA IRVING HOWE
LỜI CẢM ƠN
CHƯƠNG 1: MẢNH ĐẤT VÔ HÌNH
CHƯƠNG 2: NHỮNG NGƯỜI BỊ RUỒNG BỎ
CHƯƠNG 3: NHỮNG CÁNH ĐỒNG PHÌ NHIÊU
CHƯƠNG 4: NẾU ANH LÀ NGƯỜI DA ĐEN, HÃY ĐỨNG LẠI SAU
CHƯƠNG 5: BA KIỂU NGHÈO
CHƯƠNG 6: NHỮNG NĂM THÁNG VÀNG
CHƯƠNG 7: TINH THẦN BỊ DẰN VẶT
CHƯƠNG 8: NHÀ Ổ CHUỘT CŨ, NHÀ Ổ CHUỘT MỚI
CHƯƠNG 9: HAI QUỐC GIA
PHỤ LỤC: CÁC ĐỊNH NGHĨA