divivu logo
Chủ nghĩa tự do của Hayek
| Chia sẻ |
Chủ nghĩa tự do của Hayek
Cập nhật cuối lúc 11:52 ngày 02/06/2021, Đã xem 415 lần
  Đơn giá bán: 34 000 đ
  Model:   Bảo hành: 0 Tháng
  Tình trạng: Hết hàng
Hãng vận chuyển Xem chi tiết
Từ: Hà Nội Chuyển đến:
Số lượng: Quyển Khối lượng: 0 g
Phí vận chuyển: 0 Gộp vào đơn hàng
Tổng chi phí: 34 000 đ
Nhà cung cấp (Đã được xác thực)
Nhà xuất bản Tri thức
Nhà xuất bản Tri thức
Tầng 1 - Tòa nhà VUSTA - 53 Nguyễn Du - Quận Hai Bà Trưng - Hà Nội , Hai Bà Trưng, Hà Nội
http://nxbtrithuc.com.vn
84 - 024 - 39454661
lienhe@nxbtrithuc.com.vn
Chưa cập nhật hỗ trợ trực tuyến
Chi tiết sản phẩm

Tên sách: Chủ nghĩa tự do của Hayek

Tác giả: Gilles Dostaler

Dịch giả: Nguyễn Đôn Phước

Số trang: 188 trang

Khổ sách: 12 x 20 cm

Tủ sách Dẫn nhập

 

 

***

Lời giới thiệu

Friedrich Hayek (1899-1992) là một trong những kiến trúc sư chính của cuộc xây dựng lại chủ nghĩa tự do, trên bình diện tư tưởng lẫn hành động, trong thế kỉ XX.

Thông qua một sự nghiệp phong phú và súc tích, Hayek đã tìm cách trang bị những cơ sở mới cho một chủ nghĩa tự do mà ông không ngừng nghỉ đối lập với học thuyết Keynes và với mọi hình thức của chủ nghĩa can thiệp. Quyển sách này trình bày tất cả các mặt của một tư tưởng phức tạp được triển khai trong những lĩnh vực của tâm lý học và triết học cũng như của kinh tế học, chính trị học và luật học. Trong thế giới hàn lâm cực kì chuyên môn hóa, Hayek, người tự nhận mình trước tiên là nhà kinh tế, cung cấp một cách tiếp cận toàn diện và đa bộ môn về các hiện tượng xã hội. Bạn đọc sẽ khám phá một nhà tư tưởng, về nhiều mặt là phi chính thống, kể cả với trào lưu tân tự do viện dẫn đến ông.

 *****

MỤC LỤC

 

Dẫn nhập: công cuộc xây dựng lại chủ nghĩa tự do

I. Một hành trình qua thế kỷ XX: phác thảo tiểu sử

* Thời kì ở Wien (1899-1931)

Sự hình thành một nhà tư tưởng am hiểu nhiều bộ môn

Thiết lập một tầm nhìn kinh tế

* Thời kì ở Anh (1931-1949)

Từ kinh tế học đến khoa học luận

Cuộc thánh chiến chống chủ nghĩa Nhà nước

* Từ Chicago đến Freiburg (1950-1992)

Đoạn khúc Mỹ: cuộc độc hành trong sa mạc

Trở về nguồn và sự công nhận cuối cùng

II. Tri thức

* Tri giác và trật tự tri giác

Bản tính của tri giác

* Từ nhận thức đến khoa học

Phân cách tri thức

Khoa học và tính phức tạp

Từ chủ nghĩa duy khoa học đến chủ nghĩa toàn trị

III. Kinh tế

* Bản chất và phương pháp của lí thuyết kinh tế

Khoa học và những phán đoán về giá trị

Ảo tưởng toán học

Ảo tưởng kinh tế vĩ mô

* Phân tích kinh tế của Hayek

Giá cả, thị trường và cân bằng

Tiền tệ

Tư bản, đầu tư và tiết kiệm

Biến động và khủng hoảng

* Cuộc đấu tay đôi giữa Hayek và Keynes

* Vai trò của Nhà nước và các chính sách kinh tế

Một vị trí cho Nhà nước

Thuế khóa

IV. Xã hội

* Trật tự tự phát

Cái giả tạo và cái tự nhiên

Những công trình không có kiến trúc sư

Xác lập trật tự của cái không biết

* Quy tắc và tiến hóa

* Pháp quyền và tự do

Các quyền tự do

Tự do và cưỡng bức

Từ quy tắc đến luật pháp

* Nhà nước và dân chủ

Quyền lực và quy tắc pháp quyền

Những cạm bẫy của nền dân chủ

Một hiến pháp lí tưởng

* Chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa bảo thủ

Từ chủ nghĩa xã hội đến chủ nghĩa toàn trị

Chủ nghĩa bảo thủ và chủ nghĩa tân tự do

Kết luận

Thư mục

Tác phẩm của Friedrich Hayek

Những tư liệu khác

*****

Trích sách: Chủ nghĩa tự do của Hayek, Gilles Dostaler, Trang 9

Dẫn nhập: công cuộc xây dựng lại chủ nghĩa tự do

Đáng lí ra chúng ta phải hiểu rõ điều đó để tránh hủy hoại nền văn minh chúng ta bằng cách bóp nghẹt quá trình tự phát của sự tương tác giữa các cá thể, qua việc giao cho một quyền uy nào đó lãnh đạo quá trình này. Nhưng để tránh rơi vào lỗi lầm ấy, chúng ta phải vứt bỏ ảo tưởng cho rằng ta có khả năng “sáng tạo tương lai của nhân loại” […].

Đó là kết luận cuối cùng của bốn mươi năm tôi đã dành để nghiên cứu các vấn đề đó, sau khi ý thức sự Lạm dụng và Suy tàn của Lí tính, vốn không ngừng tiếp tục diễn ra trong suốt các thập niên qua [1983a, trang 182] 1.

Năm 1899, khi Friedrich Hayek chào đời, chủ nghĩa tự do thống trị trên bình diện tư tưởng kinh tế và xã hội cũng như trên bình diện các chính sách. Nhưng chủ nghĩa này đã bắt đầu suy thoái, như được Keynes chẩn đoán trong The End of Laissez-Faire (Sự kết thúc của tự do kinh doanh) (1926). Trong thời trai trẻ của Hayek, chủ nghĩa tự do này hấp hối, trên phương diện tri thức lẫn chính trị. Đến lúc đứng tuổi, Hayek nhìn thấy thắng lợi của một chủ nghĩa can thiệp nhà nước mà ông phỉ nhổ, trong lúc ảnh hưởng của Liên Xô lan rộng và chủ nghĩa Marx gặp vận lớn vượt ra ngoài biên giới các nước xã hội chủ nghĩa. Lúc về già, ông chứng kiến sự sụp đổ của hệ thống xô viết, cuộc khủng hoảng của học thuyết Keynes và của Nhà nước phúc lợi, và sự trỗi dậy của một chủ nghĩa tự do triệt để mà, dưới mắt nhiều người, dường như là chân trời duy nhất có thể cho nhân loại.

Hayek, trên phương diện tư tưởng lẫn trên phương diện hành động, là một trong những kiến trúc sư chính của công cuộc xây dựng lại chủ nghĩa tự do này, cũng như Keynes từng là một trong những kiến trúc sư chủ yếu của chủ nghĩa can thiệp và của việc thiết lập Nhà nước phúc lợi. Cuộc đấu tay đôi giữa hai tác giả này được ghi khắc như một trong những xung đột lớn của thế kỉ XX.

Hayek trước tiên được biết đến như nhà kinh tế và chính ở cương vị này, trong những năm hai mươi và ba mươi, ông đã là một trong những đối thủ chính của Keynes. Nhưng kinh tế chỉ là một trong những lĩnh vực mà nhà tư tưởng thông thạo nhiều bộ môn với vốn văn hóa bách khoa này đã có những đóng góp chủ yếu. Hayek cũng đã để lại dấu ấn, trong số những dấu ấn khác, trong các lĩnh vực của tâm lí học, nhận thức luận, luật học, triết học chính trị, lịch sử tư tưởng và ngay cả khoa học tiểu sử. Giống như các nhà kinh tế trong quá khứ, và ngược lại với đa số các nhà kinh tế ngày nay, ông chủ trương một cách tiếp cận đa ngành để hiểu xã hội và tiến hóa của xã hội: “Không ai có thể là nhà kinh tế lớn mà chỉ là nhà kinh tế không thôi – và ngay cả tôi còn có xu hướng thêm rằng một nhà kinh tế mà chỉ là nhà kinh tế thì có khả năng trở thành một tai họa nếu không phải là một nguy cơ thật sự” [1956, trang 123].

Nếu có một sợi chỉ xuyên suốt sự nghiệp có vẻ phân tán này thì đó là một sự tra vấn về tương lai của nhân loại. Sự nghiệp và hành động của Hayek đều hướng về cùng một mục đích: bảo vệ và xây dựng lại chủ nghĩa tự do. Ông kiên trì tiến hành một cuộc đấu tranh kép, một mặt chống học thuyết can thiệp của Keynes, mặt khác, chống chủ nghĩa xã hội [theo mô hình xô viết cũ - BT], hai mặt được ông xem là nối kết chặt chẽ với nhau và cuối cùng sẽ dẫn đến một chủ nghĩa toàn trị không kém gì chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa quốc xã. Không thể tiến hành cuộc đấu tranh chống các quan niệm trên về cuộc sống xã hội chỉ trên bình diện chính trị. Cuộc đấu tranh này diễn ra trên tất cả các lĩnh vực của hoạt động con người và của tri thức. Đối với Hayek, chủ nghĩa can thiệp và chủ nghĩa xã hội dựa trên một sai lầm về nhận thức, trên một quan niệm sai về thế giới và về tri thức. Do đó các mưu toan này là bất khả thi và sự thất bại là tất yếu. Cũng giống như việc ông cho rằng mình là một trong những người duy nhất tiên đoán cuộc khủng hoảng năm 1929, Hayek tin là ông đã dự kiến đúng đắn sự thất bại của học thuyết Keynes và sự sụp đổ của các chế độ theo kiểu xô viết.

Trước tiên chính trên bình diện nhận thức mà Hayek tiến hành đấu tranh từ buổi đầu sự nghiệp, ngay cả trước khi ông bắt đầu xây dựng phân tích kinh tế của mình. Do đó chúng tôi sẽ bắt đầu hành trình vào sự nghiệp của ông, sau khi đặt hành động của ông trong bối cảnh thế kỉ XX. Từ lĩnh vực nhận thức, chúng tôi sẽ chuyển sang phân tích kinh tế trước khi đi tới biểu trưng xã hội và Nhà nước. Tất nhiên, phân chia này là võ đoán vì tất cả những yếu tố trên đều được kết nối với nhau trong cách nhìn của Hayek. Chúng tôi không tránh khỏi một số lặp lại và sẽ cố gắng, trong những trang sau, trình bày một cách khách quan nhất có thể, do đó bằng cách nhường lời cho ông, các ý tưởng của một tác giả mà chúng tôi đã dành nhiều thời gian nghiên cứu, song chúng tôi cũng có nhiều bất đồng quan trọng với các ý tưởng này.

Có thể xem Hayek là một trong những người đi đầu và là một trong những giáo chủ của cái được gọi là chủ nghĩa tân tự do. Nhưng đồng thời ta cũng sẽ thấy là những quan niệm của ông về tri thức, phân tích kinh tế và hoạt động của xã hội biến ông thành một nhà tư tưởng phi chính thống, về nhiều mặt cũng xa với các lí thuyết gia khác của chủ nghĩa tân tự do, xa không kém gì với Keynes và những người tán thành sự can thiệp của Nhà nước. Những mâu thuẫn mà ta không khỏi tìm thấy trong các quan niệm của Hayek cũng giải thích tính đa dạng của các kiến giải mà sự nghiệp của ông, ngày càng được nghiên cứu rộng rãi (xem phần thứ nhì của thư mục), là đối tượng.


1 Do hầu hết các trích dẫn được lấy từ các công trình của Hayek nên chúng tôi sẽ chỉ nêu tên ông trước thời điểm công bố trong trường hợp có sự nhập nhằng. Về các tham chiếu để trong ngoặc xin xem thư mục cuối sách. Khi chúng tôi nêu một tựa – thường là rất nổi tiếng – mà không có quy chiếu đầy đủ trong thư mục thì chúng tôi để thời điểm công bố trong ngoặc kép. Các trích dẫn do chúng tôi dịch, ngoại trừ khi có một ấn bản bằng tiếng Pháp của tác phẩm, như trường hợp ở đây. Các đoạn in nghiêng trong các trích dẫn cũng được in nghiêng trong nguyên tác.

Nhận xét sản phẩm
Chưa có nhận xét gì về sản phẩm
Hãy đăng nhập để viết nhận xét cho sản phẩm