divivu logo
Sự kiến tạo xã hội về thực tại
| Chia sẻ |
Sự kiến tạo xã hội về thực tại
Cập nhật cuối lúc 11:06 ngày 29/09/2020, Đã xem 483 lần
  Đơn giá bán: 125 000 đ
  Model:   Bảo hành: 255 Tháng
  Tình trạng: Hết hàng
Hãng vận chuyển Xem chi tiết
Từ: Hà Nội Chuyển đến:
Số lượng: Quyển Khối lượng: 0 g
Phí vận chuyển: 0 Gộp vào đơn hàng
Tổng chi phí: 125 000 đ
Nhà cung cấp (Đã được xác thực)
Nhà xuất bản Tri thức
Nhà xuất bản Tri thức
Tầng 1 - Tòa nhà VUSTA - 53 Nguyễn Du - Quận Hai Bà Trưng - Hà Nội , Hai Bà Trưng, Hà Nội
http://nxbtrithuc.com.vn
84 - 024 - 39454661
lienhe@nxbtrithuc.com.vn
Chưa cập nhật hỗ trợ trực tuyến
Chi tiết sản phẩm

I) THÔNG SỐ SÁCH

Tên sách: Sự kiến tạo xã hội về thực tại

Tác giả: Peter L. Berger và Thomas Luckmann

Chủ biên dịch thuật, giới thiệu và chú giải: Trần Hữu Quang

Khổ sách : 16 x 24

Số trang: 444 trang

Loại bìa: Bìa mềm, tay gập


II) GIỚI THIỆU SÁCH

1)       Tác giả

Peter Ludwig Berger là nhà xã hội học Mỹ gốc Áo. Ông sinh ngày 17-3-1929 tại Vienna (Áo). Sau Thế chiến thứ hai, ông di cư sang Mỹ năm 1946 lúc 17 tuổi, nhập quốc tịch Mỹ năm 1952. Berger học xã hội học và triết học, đậu cử nhân văn khoa tại Wagner College (1949), sau đó lấy bằng thạc sĩ (1950) và tiến sĩ (1954) tại trường đại học New School for Social Research[1] ở New York. Ông lập gia đình năm 1959 với bà Brigitte Kellner (sau đó bà lấy tên theo họ chồng là Brigitte Berger).

Sau thời gian làm giảng viên phụ khảo (assistant professor) tại Đại học North Carolina ở Greensboro (1956-58) và phó giáo sư (associate professor) tại Học viện thần học Hartford (1958-63), kể từ năm 1963, Berger là giáo sư xã hội học tại New School for Social Research, Đại học Rutgers (ở New Brunswick), và Đại học Boston College. Từ năm 1981, ông là giáo sư xã hội học và thần học ở Đại học Boston, và từ năm 1985, ông còn đồng thời làm Viện trưởng Viện nghiên cứu văn hóa kinh tế (Institute for the Study of Economic Culture), gần đây đổi thành Viện nghiên cứu văn hóa, tôn giáo và các vấn đề quốc tế (Institute on Culture, Religion and World Affairs).

Lãnh vực học thuật chính của Peter Berger là xã hội học về tôn giáo và xã hội học về nhận thức. Công trình nổi tiếng nhất của ông là cuốn sách mà độc giả đang cầm trên tay, viết chung với Thomas Luckmann. Ông xuất bản khá nhiều công trình, trong đó có những công trình đáng chú ý như: Invitation to Sociology: A Humanistic Perspective (1963, Lời mời đến với xã hội học: một nhãn quan nhân bản), A Rumor of Angels: Modern Society and the Rediscovery of the Supernatural (1969, Một lời đồn đại về các thiên thần: Xã hội hiện đại và việc tái khám phá cái siêu nhiên; viết cùng với Brigitte Berger và Hansfried Kellner), The Homeless Mind. Modernization and Consciousness (1973, Đầu óc vô gia cư. Hiện đại hóa và ý thức)[2].

Thomas Luckmann là nhà xã hội học Mỹ-Áo. Ông sinh ngày 14-10-1927 tại thị trấn Jesenice thuộc vùng Slovenia của Nam Tư. Có cha là một doanh nhân người Áo và mẹ là người Slovenia, nên ông nói được cả tiếng Slovenia và tiếng Đức. Lúc nhỏ, ông đi học tại Jesenice; đến Thế chiến thứ hai, ông và mẹ chuyển sang sống tại Vienna (Áo). Ở đó, ông theo học triết học và ngôn ngữ học tại Đại học Vienna và Đại học Innsbruck. Sau đó, ông đi Mỹ, học và tốt nghiệp tại New School for Social Research. Ở ngôi trường này, ông từng là học trò của Alfred Schütz, người có ảnh hưởng sâu đậm tới tư tưởng của ông sau này. Ông lập gia đình vào năm 1950 với bà Benita Luckmann (1925-1987).

Năm 1960, ông giảng dạy tại New School for Social Research, đến năm 1965, ông được bổ nhiệm giảng dạy tại Đại học Frankfurt (Đức), và từ năm 1970 cho đến khi nghỉ hưu vào năm 1994, ông là giáo sư xã hội học tại Đại học Konstanz (Đức).

Sự nghiệp học thuật của Luckmann tập trung vào lý thuyết kiến tạo luận xã hội (social constructivism), xã hội học hiện tượng học (phenomenological sociology), xã hội học về nhận thức, xã hội học về tôn giáo, xã hội học về truyền thông, và triết học về nhận thức. Các công trình nổi tiếng nhất của ông là: The Social Construction of Reality (1966, viết chung với Peter L. Berger), The Invisible Religion (1967, Tôn giáo vô hình), và The Structures of the Life-World (1973, Các cấu trúc của thế giới đời sống - đây là công trình mà Luckmann tập hợp và biên tập bài vở của Alfred Schütz để xuất bản sau khi Schütz qua đời)[3].

Berger và Luckmann đã trải qua những giai đoạn trong cuộc đời khá giống nhau. Cả hai đều học trung học ở Vienna (Áo), rồi đều sang Mỹ để lánh nạn phát-xít, đều là sinh viên của trường đại học New School for Social Research ở New York, một định chế học thuật cổ xúy cho những dòng tư tưởng mới, tách rời khỏi truyền thống xã hội học đương thời đang nằm dưới sự thống trị của tư tưởng chức năng luận của Talcott Parsons (1902-1979) ở Đại học Harvard trong thập niên 1950. Nhờ có được nhiều học giả khoa học xã hội vừa nhập cư từ châu Âu trước và sau Thế chiến thứ hai, trường New School này là nơi phát triển truyền thống xã hội học Âu châu trên đất Mỹ, một truyền thống có đặc trưng là gắn kết chặt chẽ ngành triết học với các ngành khoa học xã hội. Chính là ở trường này mà Berger và Luckmann lần đầu tiên gặp nhau tại một cuộc tọa đàm được tổ chức bởi nhà triết học Đức Karl Löwith (1897-1973). Có lẽ ảnh hưởng quan trọng nhất quyết định đường hướng sự nghiệp của Berger và Luckmann chính là những công trình của nhà triết học Mỹ gốc Áo Alfred Schütz (1899-1959), thầy của Luckmann ở trường New School[4].

Cả Berger và Luckmann đều cùng dạy tại trường đại học New School for Social Research ở New York khoảng những năm 1963-65, cùng quan tâm tới xã hội học tôn giáo, đều đi theo xu hướng hiện tượng học của Alfred Schütz, và đều cảm thấy thất vọng trước tình hình các lý thuyết xã hội ở Mỹ trong thập niên 1960[5]. Trong thời gian giảng dạy ở New School, hai ông đã viết chung bốn công trình[6], trong đó có cuốn mà độc giả đang cầm trên tay, và hai bài liên quan tới xã hội học về tôn giáo. Ngoài ra, hai ông còn viết khá nhiều công trình về xã hội học tôn giáo.

2)       Tác phẩm

Tập sách bao gồm ba phần, trong đó luận điểm then chốt của hai tác giả nằm trong phần 2 và phần 3. Ở phần nhập đề (Vấn đề của môn xã hội học nhận thức), hai tác giả đã điểm qua lịch sử hình thành môn xã hội học nhận thức để định vị cách hiểu và lối tiếp cận của mình, đặc biệt là để định nghĩa lại đối tượng của bộ môn này. Phần 1 (Những nền tảng của sự nhận thức trong đời sống thường nhật) đề cập tới những đặc trưng của đời sống thường nhật, cách lãnh hội của cá nhân đối với đời sống thường nhật, và kiến thức trong đời sống thường nhật, trong đó phương tiện quan trọng nhất để có được thứ “kiến thức đời thường” này chính là ngôn ngữ. Phần 2 (Xã hội xét như là thực tại khách quan) đề cập tới các nội dung của quá trình định chế hóa và của quá trình chính đáng hóa đối với các trật tự định chế; đây là phần mà hai tác giả trình bày “quan niệm căn bản” của mình “về các vấn đề của bộ môn xã hội học nhận thức”. Phần 3 (Xã hội xét như là thực tại chủ quan) bàn đến quá trình xã hội hóa, trong đó đặc biệt đi sâu vào những nội dung như tiến trình nội tâm hóa và tiến trình hình thành căn cước[7] của cá nhân; đây là phần mà hai tác giả “ứng dụng” quan niệm xã hội học nhận thức của mình “vào bình diện ý thức chủ quan, và từ đó xây dựng một chiếc cầu lý thuyết nối đến các vấn đề của ngành tâm lý học xã hội”. Phần kết luận (Xã hội học nhận thức và lý thuyết xã hội học) bàn về tầm quan trọng của môn xã hội học nhận thức đối với lý thuyết xã hội học xét một cách tổng quát.

Có một điểm hết sức mấu chốt mà độc giả cần lưu ý để tránh ngộ nhận về mối quan hệ lô-gíc giữa phần 2 với phần 3: “xã hội xét như là thực tại khách quan” (phần 2), và “xã hội xét như là thực tại chủ quan” (phần 3). Đây không phải là hai thực tại khác nhau, mà là hai mặt của cùng một thực tại, xét dưới hai góc nhìn khác nhau. Nhằm tìm hiểu đặc trưng của mối quan hệ giữa cá nhân với xã hội, hai tác giả đã đi theo một lối tiếp cận độc đáo xuất phát từ cả quan điểm của Durkheim lẫn quan điểm của Weber để có thể giải thích được “tính chất lưỡng diện của xã hội xét về mặt kiện tính khách quan và về mặt ý nghĩa chủ quan” (tr. 33)[8]. Trong lúc Durkheim chú trọng “mặt kiện tính khách quan” của xã hội (coi “các sự kiện xã hội như những đồ vật”), thì Weber nhấn mạnh đến “mặt ý nghĩa chủ quan” của hành động con người trong xã hội. Theo Berger và Luckmann, hai quan điểm này không hề đối lập nhau, mà chỉ là hai góc nhìn chú ý đến hai mặt khác nhau của thực tại xã hội. Từ đó, hai tác giả đặt ra câu hỏi nghiên cứu sau đây: “Làm thế nào mà những ý nghĩa chủ quan [...] có thể trở thành những kiện tính khách quan?”. Hay nói khác đi, “làm thế nào hoạt động của con người lại có thể sản xuất ra được một thế giới đồ vật?” (tr. 33, chỗ nhấn mạnh là do hai tác giả). Theo hai tác giả, đây không chỉ là câu hỏi của môn xã hội học nhận thức, mà cũng chính là “câu hỏi trung tâm của lý thuyết xã hội học” mà công trình này phải trả lời.

Một cách ngắn gọn, có thể nói rằng mục tiêu của toàn bộ công trình này của Berger và Luckmann là “truy tìm cách thức mà thực tại [xã hội] được kiến tạo nên” (tr. 33). Ở đây, chúng tôi thiết tưởng cần nói thêm về ý nghĩa của cái tựa của công trình này (“sự kiến tạo xã hội về thực tại” - the social construction of reality), và về cụm từ then chốt mà hai tác giả thường nhắc đi nhắc lại, đó là “được kiến tạo về mặt xã hội” (socially constructed)[9]. Sở dĩ hai ông nói rằng thực tại “được kiến tạo về mặt xã hội” chứ không nói “bởi xã hội” (by the society), đó là vì ba lý do sau đây, theo cách hiểu của chúng tôi. Trước hết, cụm từ này có nghĩa là thực tại luôn được kiến tạo bởi những nhóm xã hội nhất định, những cộng đồng hay tập thể nào đó, chứ không phải bởi toàn bộ xã hội nói chung; vả lại, nếu nói “bởi xã hội”, người nghe sẽ dễ bị rơi vào ngộ nhận cho rằng “xã hội” là một thực thể thuần nhất và biệt lập, nằm bên ngoài và bên trên con người cá nhân. Kế đến, nói rằng thực tại được kiến tạo “về mặt xã hội” thì có nghĩa là muốn nhấn mạnh đến khía cạnh hành động, khía cạnh tiến trình của sự kiến tạo, chứ không chỉ nói về kết quả của sự kiến tạo ấy. Và thứ ba, ý tưởng mấu chốt ở đây là sự kiến tạo ấy luôn luôn diễn ra trong sự tương giao xã hội giữa con người với nhau. Nhân tiện đây, chúng ta có thể lưu ý là trong toàn bộ công trình này, Berger và Luckmann họa hoằn lắm mới sử dụng cụm từ “bởi xã hội” (chỉ có một lần, “by society”, ở trang 100 trong bản gốc[10]), còn ngoài ra luôn nói “về mặt xã hội” (socially), chẳng hạn: “được kiến tạo về mặt xã hội” (socially constructed), hoặc “được định đoạt về mặt xã hội” (socially determined). Lối nói này chắc hẳn bao hàm ý tưởng mà chúng tôi vừa nêu.[11]

Ở phần 2, khi nói đến “xã hội xét như là thực tại khách quan”, hai tác giả đã phân tích những nguồn gốc sinh thành (genesis) của các thành tố của thực tại này (như các định chế, các vai trò, truyền thống, v.v.) vốn xuất phát tcác tiến trình khách thể hóa của ý thức chủ quan của các cá nhân trong một thế giới liên chủ thể (nói cách khác, thực tại khách quan là sản phẩm của sự khách thể hóa của những tiến trình chủ quan); thực tại xã hội ấy được các cá nhân coi là thực tại mang tính chất khách quan (họ lãnh hội nó như cái gì có thực, tự nó hiển nhiên, nằm bên ngoài ý thức của mình). Còn khi đề cập tới “xã hội xét như là thực tại chủ quan” (phần 3), hai tác giả đi vào phân tích những tiến trình nội tâm hóa cái thực tại khách quan ấy nơi ý thức cá nhân, tức là tiến trình biến những ý nghĩa đã-được-khách-thể-hóa về mặt xã hội thành ý nghĩa của cuộc đời của chính mình; và đây cũng chính là những tiến trình xã hội hóa của từng cá nhân.

3) Mục lục

Bài giới thiệu: Một lý thuyết về xã hội theo lối tiếp cận hiện tượng học của P. Berger và T. Luckmann 

Lời tựa

Nhập đề: Vấn đề của môn xã hội học nhận thức

Phần 1: Những nền tảng của sự nhận thức trong đời sống thường nhật

1. Thực tại của đời sống thường nhật

2. Tương giao xã hội trong đời sống thường nhật

3. Ngôn ngữ và kiến thức trong đời sống thường nhật

Phần 2: Xã hội xét như là thực tại khách quan

1. Định chế hóa 

Cơ thể và hoạt động 

Những nguồn gốc của sự định chế hóa 

Sự trầm tích và truyền thống 

Các vai trò 

Phạm vi và những hình thái của sự định chế hóa 

2. Chính đáng hóa 

Những nguồn gốc của các vũ trụ biểu tượng 

Những bộ máy tư tưởng nhằm bảo tồn vũ trụ 

Cách tổ chức xã hội nhằm bảo tồn vũ trụ 

Phần 3: Xã hội xét như là thực tại chủ quan

1. Nội tâm hóa thực tại

Xã hội hóa sơ cấp 

Xã hội hóa thứ cấp 

Bảo tồn và chuyển hóa thực tại chủ quan 

2. Nội tâm hóa và cấu trúc xã hội

3. Các lý thuyết về căn cước 

4. Cơ thể và căn cước 

Kết luận: Xã hội học nhận thức và lý thuyết xã hội học 

Tài liệu tham khảo của P. Berger và T. Luckmann 

Những công trình của P. Berger và T. Luckmann 

Chú giải thuật ngữ 

Tài liệu tham khảo của người giới thiệu và của dịch giả 

Index tác giả (Bảng tra cứu tên tác giả)

Index chủ đề (Bảng tra cứu theo chủ đề) 



[1] Trường đại học New School for Social Research được thành lập năm 1919 tại New York bởi một số trí thức có tên tuổi, trong đó có Charles Beard, John Dewey, James Harvey Robinson và Thorstein Veblen, với tham vọng tạo ra một định chế đại học cổ xúy cho nền tự do tư tưởng và tự do học thuật. Năm 1933, trường này mở thêm một chi nhánh mang tên University in Exile (Đại học Lưu vong) chuyên giảng dạy ở cấp cao học. Trường đại học này được lập ra nhằm tiếp nhận những học giả phải di tản sang Mỹ để trốn tránh các chế độ phát-xít ở châu Âu thời kỳ ấy như ở Đức và Ý, trong đó có những nhà tâm lý học như Erich Fromm, Max Wertheimer và Aron Gurwitsch, những nhà triết học chính trị như Hannah Arendt và Leo Strauss, hay những nhà triết học như Hans Jonas và Alfred Schütz. Năm 1934, trường này được đổi tên thành Graduate Faculty of Political and Social Science (Khoa cao học về Khoa học chính trị và xã hội) (ở Mỹ, từ “graduate” có nghĩa là cao học, tức là “sau đại học” hay “trên đại học”, bao gồm cấp thạc sĩ và tiến sĩ). Cái tên “Graduate Faculty” này được giữ cho tới năm 2005 thì đổi lại thành The New School - tên chính thức của trường đại học này hiện nay (xem trang mạng www.newschool.edu, truy cập ngày 16-2-2015).

[2] Xin xem các công trình chính của P. Berger trong phần phụ lục ở cuối cuốn sách.

[3] Xin xem các công trình chính của T. Luckmann trong phần phụ lục ở cuối cuốn sách.

[4] Xem D. Martuccelli, bđd, tr. 4.

[5] Như trên, tr. 3. Trong phần kết luận, Berger và Luckmann thừa nhận rằng họ “rất ít hứng thú với hiện trạng lý thuyết xã hội học”, và công khai bác bỏ cả lý thuyết chức năng luận lẫn cách tiếp cận cấu trúc mà người đại diện điển hình thời bấy giờ là nhà xã hội học Mỹ Talcott Parsons (tr. 271).

[6] Đó là những công trình sau đây: “Sociology of Religion and Sociology of Knowledge” (Xã hội học tôn giáo và xã hội học nhận thức), Sociology and Social Research, vol. 47, No. 4, 1963; “Social Mobility and Personal Identity” (Sự di động xã hội và căn cước cá nhân), European Journal of Sociology, vol. 5, 1964; The Social Construction of Reality. A Treatise in the Sociology of Knowledge (Sự kiến tạo xã hội về thực tại. Khảo luận về xã hội học nhận thức), New York, Doubleday, Anchor Books, 1966; “Secularization and Pluralism” (Thế tục hóa và tính đa nguyên), International Yearbook for the Sociology of Religion, vol. 2, 1966.

[7] Trong cuốn sách này, chúng tôi dịch thuật ngữ identity là “căn cước”.

[8] Nguyên văn đoạn này như sau: “the dual character of society in terms of objective facticity and subjective meaning” (chỗ nhấn mạnh là do hai tác giả). Xin xem mục “Kiện tính” trong phần Chú giải thuật ngữ ở cuối cuốn sách.

[9] Cụm từ “socially constructed” mà ở đây chúng tôi dịch là “được kiến tạo về mặt xã hội”, cũng có thể được hiểu là “được kiến tạo trên bình diện xã hội”, hay “được kiến tạo theo cách thức xã hội”.

[10] Nguyên văn đoạn này như sau: “... harmonizing the sense one makes of one’s biography with the sense ascribed to it by society” (chúng tôi nhấn mạnh – T.H.Q.). Bản dịch: “… làm sao cho ý nghĩa mà một người hiểu về tiểu sử cuộc đời của mình được hài hòa với ý nghĩa mà xã hội đã gán cho nó” (tr. 124).

[11] Ian Hacking cũng từng lưu ý rằng cụm từ “social construction” và “socially constructed” khá “mơ hồ”, và trong những trường hợp này, chúng ta cần hiểu sự kiến tạo (construction) theo ba nghĩa như sau: tiến trình kiến tạo (construction-as-process), sản phẩm kiến tạo (construction-as-product), và cách lý giải (construal) (chẳng hạn khi người ta nói rằng có “hai sự kiến tạo về tật điếc”/“two constructions of deafness”, thì người ta muốn nói rằng có hai cách hiểu hay hai cách lý giải khác nhau về tật điếc: hoặc coi đây là một thứ khuyết tật; hoặc coi đây là một nền tảng tiềm năng để có thể hình thành một nhóm ngôn ngữ thiểu số). Hacking cho rằng cả ba nghĩa ấy đều đan xen nhau, và nếu không phân biệt được chúng thì chúng ta sẽ rơi vào cái bẫy là bỏ quên các từ nguyên (xem Ian Hacking, The Social Construction of What? (1999), Cambridge, Mass., Harvard University Press, 5th printing, 2000, tr. 38-39).

Nhận xét sản phẩm
Chưa có nhận xét gì về sản phẩm
Hãy đăng nhập để viết nhận xét cho sản phẩm