I. THÔNG SỐ SÁCH
Tên sách: Đường về nô lệ
Tác giả: F.A. Hayek
Dịch giả: Phạm Nguyên Trường
Tủ sách: Tinh hoa
Số trang: 440 trang
Khổ sách: 12 x 20 cm
Loại sách: bìa cứng
(HẾT SÁCH)
II. GIỚI THIỆU SÁCH
1. Lời nhà xuất bản
Sau các cuốn Hayek, Cuộc đời và Sự nghiệp (Alan Ebenstein, NXB Tri thức, 2007) và Chủ nghĩa tự do của Hayek (Gilles Dostaler, NXB Tri thức, 2008), là các tác phẩm của các học giả nổi tiếng giới thiệu diễn trình tư tưởng kinh tế của Hayek (1899 – 1992), chúng tôi xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc một trong các công trình nghiên cứu quan trọng nhất của Hayek, công bố từ năm 1944, mang tựa đề Đường về nô lệ (The Road to Serfdom).
Từ lần xuất bản đầu tiên cho tới nay, cuốn Đường về nô lệ luôn luôn được coi là tuyên ngôn chính trị của trường phái tân tự do, mà Hayek là chủ soái, làm hồi sinh và phát triển học thuyết kinh tế tự do (laiser-faire) của Adam Smith (1723 - 1790) đối lập với trường phái tân cổ điển do J. M. Keynes (1883 - 1946) chủ trương sự can thiệp mạnh của Nhà nước vào các hoạt động kinh tế. Cuốn sách này đã được coi là cẩm nang của nhiều nền kinh tế: Anh và Mỹ vào những năm 80 của thế kỷ trước dưới thời của Thatcher và Reagan; Nga và các nước Đông Âu với nền kinh tế chuyển đổi thời kỳ sau 1990, và Trung Quốc từ khi mở cửa 1978… Cuốn sách phản ánh đầy đủ tư duy kinh tế - xã hội phong phú và sâu sắc của tác giả, nhưng nhất quán trong thông điệp ngắn gọn: Bất cứ thể chế toàn trị nào (dù là Liên Xô cũ hay Đức Quốc xã…) quốc hữu hóa tư liệu sản xuất xã hội và kế hoạch hóa tập trung sớm muộn đều dẫn đến sự nghèo khổ và bất bình đẳng mà Hayek gọi là Nô lệ.
Thế nhưng “thời hoàng kim” của chủ nghĩa tân tự do hình như đã đến hồi choạng vạng khi các cuộc khủng hoảng tài chính lần lượt diễn ra trong hai thập kỷ vừa qua; mà đỉnh cao là cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang diễn ra hiện nay, khởi đầu từ cuộc khủng hoảng tài chính do đầu cơ bất động sản quá đáng ở Hoa Kỳ. Lại một lần nữa vị thế tư tưởng kinh tế của hai trường phái tân tự do và tân cổ điển có thể đảo ngược: giờ đây người ta lại chú ý nhiều hơn đến những lời cảnh báo của Keynes về sự thống trị của các quyền lực tài chính đối với chủ nghĩa tư bản, những quyền lực sùng bái tuyệt đối đồng tiền và khả năng sinh lời tài chính; như thể nền kinh tế của chủ nghĩa tư bản hiện đại đã trở thành “một thứ phẩm của các hoạt động trong sòng bạc”. Tuy vậy, việc nghiên cứu những tác gia kinh điển như Hayek vẫn luôn luôn là cần thiết và thú vị.
Chúng tôi xin trân trọng lưu ý bạn đọc rằng đây là sách tham khảo, chủ yếu dành cho những người làm công tác nghiên cứu. Đối với các bạn đọc khác, chúng tôi nghĩ là nên đọc trước Lời giới thiệu tác phẩm của Đinh Tuấn Minh và Lời bạt của Lữ Phương để dễ dàng nắm bắt ý tưởng của tác giả hơn với tinh thần phê phán cần thiết.
NXB Tri thức
*****
2. Trích sách:
Lời giới thiệu cho ấn bản tiếng Việt
Việt Nam đã bắt đầu từ bỏ cơ chế kế hoạch hóa tập trung quan liêu bao cấp được hơn hai thập kỷ. So sánh những kết quả đạt được giữa hai thời kỳ trước và sau khi đổi mới đã cho thấy rằng quyết định chuyển sang cơ chế thị trường của Việt Nam là quyết định hoàn toàn đúng đắn. Đời sống vật chất và tinh thần của từng người dân không ngừng được cải thiện. Những vật dụng được xem như là xa xỉ thời kế hoạch hóa như xe máy, ti vi, dầu gội đầu v.v… thì nay đã trở thành những vật dụng tối thiểu trong mỗi gia đình; trước kia người dân Việt Nam chỉ có thể biết được tin tức thế giới qua hệ thống loa truyền thanh, thì ngày nay họ có thể tìm hiểu mọi thứ qua Internet, truyền hình cáp, và thậm chí có thể đi hàng nghìn cây số đến tận nơi để quan sát. Tuy thế, những di chứng mà cơ chế này gây ra cho xã hội vẫn còn đó và đang gây nhức nhối cho xã hội. Đây không phải là nhận định được nói ra bởi những người dân thường hay các học giả; trên thực tế nó thường xuyên được những vị lãnh đạo cao cấp nhất của đất nước nhắc đến. Nhưng cụ thể cơ chế kế hoạch hóa trước kia đã gây ra những căn bệnh xã hội gì cho hiện nay? Làm thế nào để khắc phục được chúng? Đấy quả thực là những câu hỏi hóc búa cho bất kỳ ai có trách nhiệm với xã hội. Cuốn sách Đường về nô lệ của F. A. Hayek, một trong những kinh tế gia và tư tưởng gia xuất sắc nhất của thế kỷ XX, có thể được xem như là cuốn “cẩm nang” hàng đầu để giải quyết những vấn nạn này cho xã hội Việt Nam hôm nay.
[...]
Cuốn sách của Hayek gửi đến cho chúng ta một thông điệp rõ ràng rằng những hậu quả mà kế hoạch hóa tập trung gây ra cho xã hội đều có thể hồi phục lại bằng cách áp dụng các nguyên lý thị trường. Những điều mà chúng ta không bằng lòng về đời sống đạo đức của người Việt Nam ngày hôm nay không phải là do cơ chế thị trường, không phải là bản tính của người Việt Nam, mà đa phần là di chứng của thời kỳ kế hoạch hóa tập trung quan liêu bao cấp. Nhưng chúng ta có thể tác động vào việc hoàn thiện các quy tắc hình thức kiến tạo lên trật tự thị trường để dần khắc phục chúng. Thật may mắn là chúng ta có thể học hỏi được rất nhiều điều từ những quốc gia đi trước. Những quy tắc thương mại và ứng xử mà chúng ta cam kết khi nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) chẳng phải là một kho tàng vô giá để chúng ta tự hoàn thiện mình hay sao? Có lẽ nhắc lại cũng không thừa, ngay cả khi dân tộc ta có thể rút ngắn được thời gian trong việc hoàn thiện các quy tắc hành xử của chính mình thì chúng ta vẫn phải hiểu rằng đây là một quá trình lâu dài, cần phải nỗ lực liên tục và bền bỉ. Đối với những người cấp tiến, nếu vượt qua được rào cản thuật ngữ[1], thì tác phẩm Đường về nô lệ chính là một hành trang không thể thiếu vì nó không những đã nói ra được hầu như tất cả những điều tồi tệ nhất chúng ta phải trải qua, chứng kiến, hay cảm nhận nhưng không hiểu được nguyên nhân từ đâu, mà còn chỉ cho chúng ta biết chúng ta nên làm gì để vượt qua chúng. Nếu được nói một câu cuối cùng, tôi chỉ có thể nói rằng đây là cuốn sách cất lên tiếng nói từ con tim của những người mong muốn xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng tự do và phồn thịnh.
Đinh Tuấn Minh
[1] Về vấn đề khác biệt ngôn ngữ nhưng lại chia sẻ cùng nội dung tri thức khi tiếp cận các tác phẩm của Hayek tôi đã đề cập đến trong lời giới thiệu cuốn F.A. Hayek: Cuộc đời và sự nghiệp, của Ebeinstein, do Nguyễn Anh Hùng dịch, Đinh Tuấn Minh hiệu đính và giới thiệu, NXB Tri thức, 2007.
***
3. Mục lục
Lời nhà xuất bản
Lời giới thiệu cho ấn bản tiếng Việt
Lời giới thiệu (nhân dịp năm mươi năm xuất bản)
Ghi chú về lịch sử xuất bản
Lời tựa cho lần tái bản năm 1976
Lời tựa cho lần xuất bản bìa mềm năm 1956
Lời tựa cho lần xuất bản năm 1944
Dẫn nhập
I. Con đường bị chối bỏ
II. Giấc mơ địa đàng
III. Chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa tập thể
IV. Kế hoạch hóa là “tất yếu”?
V. Kế hoạch hóa và dân chủ
VI. Kế hoạch hóa và pháp trị
VII. Kiểm soát kinh tế và chế độ toàn trị
VIII. Ai là ai?
IX. An toàn và Tự do
X. Vì sao những kẻ xấu xa nhất lại leo cao nhất?
XI. Sự cáo chung của chân lí
XII. Cội nguồn tư tưởng của chủ nghĩa phát xít
XIII. Những người toàn trị giữa chúng ta
XIV. Điều kiện vật chất và mục đích lí tưởng
XV. Triển vọng của trật tự thế giới
XVI. Kết luận
Sách tham khảo
Lời bạt: Vấn đề tri thức trong “trật tự tự phát” của Hayek
Sách tham khảo của người dịch