THÔNG SỐ SÁCH
Tên sách: Đời sống xã hội Việt Nam đương đại (Tập 2): Những người thiểu số ở đô thị: Lựa chọn, trở thành, khác biệt
Tác giả: Nhiều tác giả (PGS.TS Nguyễn Đức Lộc chủ biên)
Khổ sách: 13 x 20,5 cm
Số trang: 604 trang
Loại bìa: Bìa mềm, tay gập
II) GIỚI THIỆU SÁCH
1) Bối cảnh nghiên cứu về người thiểu số ở Việt Nam
Xã hội Việt Nam trong bối cảnh đương đại đang tiến vào một hành trình chuyển di mạnh mẽ với quá trình phát triển của nền kinh tế công nghiệp. Hiện tượng chuyển di ấy có lẽ được thể hiện rõ nét nhất qua những dòng người di cư vào các khu đô thị hiện đại. Kết quả là những dòng người này đã nhanh chóng tiếp nhập vào bản thân mình những đặc điểm của môi trường đô thị và sớm trở thành lực lượng lao động giữ vai trò chủ chốt trong quá trình sản xuất. Chúng ta sẽ nhìn nhận sự kiện chuyển hóa cơ cấu xã hội và tâm tính cộng đồng này như thế nào? Ở góc độ quan sát tổng thể, chúng ta thừa nhận rằng, trong cuộc mưu sinh ở nơi phố thị, đời sống của họ không luôn là màu hồng. Họ phải đối diện với rất nhiều khó khăn và rủi ro trong cuộc sống hằng ngày. Từ những rủi ro trong công việc như: thất nghiệp, bệnh tật, tai nạn lao động, v.v... cho đến những định kiến xã hội, văn hóa đã khiến cho cuộc sống của những người nhập cư vốn vất vả càng trở nên ngột ngạt, bức bách. Và để duy trì sự tồn tại của mình, trong điều kiện nghèo nàn như chúng ta đã thấy trên nhiều phương diện: vật chất, tinh thần, tri thức, vốn xã hội, v.v... buộc họ phải tìm mọi cách để xoay xở. Cũng vậy, trên bình diện tương quan xã hội, những người lao động nhập cư này dễ trở thành nạn nhân của những định kiến và kỳ thị về mặt xã hội do sự khác biệt văn hóa, ngôn ngữ hay ứng xử của họ và trở thành những người thiểu số ở đô thị. Tuy nhiên, ở một góc độ khác, nếu chúng ta bước vào trong cõi sống của họ, chúng ta sẽ bắt gặp một hình ảnh khác về những người thiểu số này. Họ không cam chịu trước những sức ép của cuộc sống, trái lại họ luôn tìm kiếm những phương cách khác nhau để cải thiện hay thay đổi hoàn cảnh sống của chính mình.
Trong viễn ảnh đó, tiếp cận về người thiểu số ở đô thị không chỉ đòi hỏi nhà nghiên cứu diễn giải từ các quan điểm trừu tượng, có sẵn mà còn đòi hỏi nhà nghiên cứu phải hòa mình vào trong cuộc sống của cộng đồng để có thể hiểu và trải nghiệm những thực hành văn hóa và các quan điểm cá nhân của chính chủ thể mà nhà nghiên cứu đang tương tác. Đây cũng là chủ đề đã được bàn luận trong tập một của tuyển tập Đời sống xã hội Việt Nam đương đại với chủ đề “Tình cảnh sống của người công nhân: Thân phận, rủi ro và chiến lược sống”. Tiếp nối dòng chủ lưu này, tập hai của tuyển tập với chủ đề “Người thiểu số ở đô thị” sẽ được các nhà nghiên cứu khai triển và cho phép định hình một quan điểm tiếp cận khác so với các quan điểm nghiên cứu về người thiểu số lâu nay trong giới học thuật Việt Nam. Đó cũng được xem là mục đích mà Trung tâm SocialLife đã và đang nỗ lực định hình một hướng đi học thuật cho việc nghiên cứu các vấn đề đời sống xã hội Việt Nam đương đại.
2) Mục lục
Những viễn tượng khác trong nghiên cứu về người thiểu số
Nguyễn Đức Lộc, Nguyễn Quang Huy
Hành trình mưu sinh trên đất khách: sinh kế và bản sắc
Lê Anh Vũ
Đồng tính nam - lựa chọn và dấn thân
Trần Thanh Hồng Lan
Trở thành công nhân
Nguyễn Quang Huy
Du cư trong tâm tưởng và tái thiết lập lãnh thổ tâm hồn - trải nghiệm của nguời thiểu số về đời sống gia đình trong cộng đồng mộ đạo
Nguyễn Đức Lộc
Thân phận đồng cô và giới tính tôn giáo
Bùi Quốc Linh
Sự đọc bình dân tiểu thuyết ngôn tình
Hoàng Phong Tuấn
Tìm kiếm ý nghĩa, xây dựng bản sắc: trải nghiệm thú chơi gà chọi của người dân ở một làng lên phố tại Hà Nội
Nguyễn Anh Tuấn
Tự sự như là tiến trình nội tại hóa nghịch biện của chủ thể tính đương đại
Phạm Văn Quang
Tương tác, đối thoại thông qua kinh nghiệm sống và sự kiến tạo ý nghĩa xã hội của chứng điếc
Nguyễn Thị Ngọc Tú
Các đặc điểm sử dụng ngôn ngữ của người Khmer thiểu số ở đô thị
Đinh Lư Giang
Lý lịch các tác giả và cảm nhận về quá trình tham gia viết bài